Muốn triệt sim rác, phạt nặng nhà mạng vi phạm là xong!

07/06/2020 06:08 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng việc để sim rác tràn lan là do lỗi của cơ quan quản lý và nhà mạng. Vì vậy, cứ phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép nhà mạng vi phạm là sim rác sẽ không còn!

Như Thanh Niên đã thông tin, theo dự thảo Báo cáo tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước, Thanh tra Bộ TT-TT cho biết vẫn còn tình trạng bán sim rác trên thị trường. Thanh tra bộ này đã phối hợp với Cục Viễn thông xử phạt 4 doanh nghiệp (VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile), mỗi doanh nghiệp 90 triệu đồng. Trước thực trạng này, Thanh tra Bộ TT-TT đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP nhằm quản lý chặt chẽ thực trạng sim rác.
Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng từ số thuê bao thoại thứ 4 trở lên trên mỗi mạng di động phải trả thêm phí quản lý thuê bao vượt mức, để đảm bảo việc đăng ký thuê bao khống và bán sim rác không còn có lợi nhuận. Đặc biệt, mỗi lần nạp thẻ vào tài khoản điện thoại, yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số CMND hoặc căn cước công dân, hộ chiếu, ngày cấp và chỉ khi các thông tin này trùng khớp thông tin trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông thì mới cho phép nạp tiền vào tài khoản. Trường hợp không trùng khớp, doanh nghiệp nhắn tin thông báo chủ thuê bao đến điểm cung cấp dịch vụ cập nhật lại thông tin thuê bao để tiếp tục sử dụng dịch vụ.

“Xây nhà từ nóc”

Rất nhiều bạn đọc (BĐ) đặt vấn đề “sim điện thoại từ đâu mà có, người dân có tự làm được sim không, tại sao không quản lý ngay từ đầu ra?”. “Lại xây nhà từ nóc. Sao không xử nhà mạng mà lại yêu cầu người dân cung cấp số CMND hay căn cước khi nạp tiền để hợp thức hóa sai phạm của nhà mạng?”, BĐ Dat Huynh bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Vietroad ý kiến: “Sim do ai đưa ra? Đưa ra mà không biết đưa cho ai thì lỗi của ai? Chuyện quản lý sim rác có gì khó. Quan trọng là nhà mạng có chịu làm hay không vì nó mang đến nguồn lợi khổng lồ. Nếu có bị phạt cũng chẳng đáng bao nhiêu so với nguồn lợi thu được từ sim rác và tin nhắn rác”. Còn BĐ Viết Hảo cho rằng: “Khi đăng ký số điện thoại thì đã có xác minh CMND rồi chứ không phải chưa, như vậy đủ chứng minh đúng chủ thuê bao rồi. Cần gì phải làm như vậy nữa”.
Đề xuất nạp tiền điện thoại phải nhập số CMND cũng khiến nhiều người lo lắng chuyện lộ thông tin cá nhân trong tình hình bùng nổ các hình thức lừa đảo qua mạng. "Số CMND là thông tin mật cá nhân mỗi người tại sao lại tùy tiện cung cấp được. Ở thời đại công nghệ cao dễ bị kẻ xấu lợi dụng sơ hở này, như vậy là không an toàn", BĐ Quang Tho ý kiến.

Phải mạnh tay xử nhà mạng vi phạm

Tình trạng sim rác - sim kích hoạt sẵn vốn được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tin nhắn rác, cuộc gọi rác phát tán tràn lan đã được đưa vào ngăn chặn trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt. BĐ cho rằng sở dĩ như vậy một phần là do các cơ quan quản lý chưa triệt để trong việc thực hiện, trong đó có việc quản lý ngay từ đầu ra. “Thông báo cho tất cả nhà mạng phải chấm dứt tình trạng sim rác, nếu phát hiện lần một thì phạt, lần hai phạt thật nặng và lần ba thì cấm hoạt động của nhà mạng này, tạo mọi điều kiện cho các nhà mạng mới hoạt động tốt hơn. Đừng có chậm trễ gì nữa, cứ nói mãi vấn đề sim rác, nhưng cứ tồn tại...”, BĐ Miền Tây ý kiến.
“Sim rác là của các nhà mạng phát hành, sao bắt dân phải chịu?”, BĐ Cường Trần bức xúc. Còn BĐ Vũ Hoàng đề xuất: “Theo tôi nên áp dụng biện pháp cứng rắn hơn. Khi một cá nhân hoặc doanh nghiệp sử dụng lượng lớn sim rác, sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm đe dọa, khủng bố người khác, hoạt động kinh doanh cho vay nặng lãi... thì cấm sử dụng dịch vụ viễn thông vĩnh viễn. Còn nhà mạng để sim rác tràn lan cần rút giấy phép hoạt động”.
Quản lý không khéo đưa ra quy định phức tạp gây khó khăn cho người sử dụng.
Hoàng Trần
Sao mấy ông không quản lý nhà mạng mà đi quản lý người dùng?
Vu Van Binh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.