Lăng kính Bạn đọc: 'Đụng vào dự án nào cũng có vấn đề'

07/07/2019 06:40 GMT+7

Qua vụ việc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 9.000 tỉ đồng, bạn đọc Thanh Niên nhận xét: “Đụng vào dự án nào cũng có vấn đề, mà phần lớn trong đó sự thua thiệt đều về phía nhà nước”.

Mới đây, chiều 5.7, trả lời truyền thông về việc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 9.000 tỉ đồng, ông Trần Hải Đông, Trưởng đoàn Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cho biết nguyên nhân là do quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến trong quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí.

Công nghệ đã 10 năm, chạy được bao nhiêu năm ?

Một số nguyên nhân khác cũng được đại diện KTNN chỉ ra, như: do bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật; việc bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ thực hiện kéo dài, dẫn đến chi phí nhân công vật liệu tăng cao; chủ đầu tư chưa báo cáo Chính phủ để xem xét báo cáo, xin chủ trương của Quốc hội (khi dự án tăng vốn). Khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư chưa xem xét về chi phí vận hành vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến việc đánh giá về hiệu quả kinh tế không chính xác. Bên cạnh đó, quy định về hồ sơ thiết kế giữa VN và Trung Quốc có khác biệt, dẫn tới thời gian thiết kế, thẩm tra, thẩm định phê duyệt... phải điều chỉnh nhiều lần.
Trước những thông tin nêu trên, bạn đọc (BĐ) Huỳnh Hoàng Hà (Hà Nội) tỏ ra ngạc nhiên vì dự án gần như đầu tiên và điển hình về hiện đại hóa giao thông mà không tính toán trước, không cần tham khảo kinh nghiệm hoặc tham khảo những đơn vị kinh nghiệm còn yếu rồi lại đội vốn. “Công nghệ đã 10 năm rồi không biết hoàn thành sẽ chạy được bao nhiêu năm? Cuối cùng lại là người dân đóng thuế rồi người dân phải chịu”, BĐ Huỳnh Hoàng Hà nêu.

Hết sức nghiêm trọng !

Trong khi đó, theo BĐ Ngô Huy Thọ (Hà Nội), công trình đã cơ bản xong, KTNN dễ dàng lấy khối lượng hoàn thành thực tế nhân với giá thành theo từng thời điểm thực hiện hạng mục đó (theo quý hoặc theo nửa năm), sẽ ra ngay kinh phí thực tế đã thực hiện và biết ngay là đội vốn thế nào, bao nhiêu, ở đâu, do ai. Quá đơn giản để đóng lại vấn đề.
Điều BĐ quan tâm là nguyên nhân vì đâu dẫn đến tình trạng này. “Đụng vào dự án nào cũng có vấn đề, mà phần lớn trong đó sự thua thiệt đều về phía nhà nước. Nguyên nhân của sự thua thiệt này do trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ chúng ta quá yếu kém, mặc dù họ được đào tạo rất bài bản và hằng năm được đưa đi tham quan học hỏi ở nước ngoài; hay họ quá thông minh, khi biết tìm ra các kẽ hở của pháp luật để trục lợi một cách hợp pháp?... Dù bất luận nguyên nhân nào, sự thua thiệt này cũng phải được chấm dứt”, BĐ Nguyễn Mai Thanh (Cần Thơ) bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, BĐ Nguyên Bá (Đồng Nai) cho rằng, trình độ yếu kém thì đào tạo, nhưng tại sao “cứ có vấn đề lại đổ cho yếu kém”. Còn theo BĐ Đình Hưng, chưa hẳn do năng lực kém mà là “thủ tục cũng quá rườm rà và bất cập”.
Qua vụ việc này, BĐ Nguyễn Qua (Gia Lai) đề nghị: Công trình trọng điểm mang tính chiến lược quốc gia mà lại để xảy ra như vậy ngay tại thủ đô Hà Nội là hết sức nghiêm trọng. Cần phải làm rõ và truy cứu xem tại sao lại như vậy để lòng dân được yên tâm.
- Tóm lại, là do khách quan nên người dân phải chịu hoàn toàn hay sao?
 Nguyễn Văn Mỹ (Hà Nội)
- Biết rồi khổ lắm nói mãi! “Do ban đầu, từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán còn không sát với thực tế”... Cuối cùng huề cả làng! Cứ thế thành vòng luẩn quẩn...     
Nguyễn Vinh (Đà Nẵng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.