Lăng kính bạn đọc: Đã cấm học thêm thì làm cho quyết liệt

13/12/2020 06:46 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng đã cấm dạy thêm học thêm thì ngành giáo dục phải làm cho tới, phạt cho nặng, tái phạm thì cấm đi dạy luôn, chứ làm nửa vời, giáo viên khổ, học sinh khổ, phụ huynh khổ.

Như Thanh Niên thông tin, tình trạng không ít giáo viên tiểu học các trường công lập mở lớp dạy thêm học thêm vào buổi tối ở gần trường. Học sinh của họ không ai khác chính là học sinh trong lớp họ dạy ở trường.
Nhiều phụ huynh cho biết họ cho con đi học thêm với giáo viên chủ nhiệm một phần vì giáo viên thường xuyên chê con viết chậm, làm toán kém, học không tập trung... Một số người thì sợ con bị thua thiệt, giáo viên đối xử phân biệt nếu không tham gia những lớp học thêm này. Dù Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư 17/2012 cấm tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh trong và ngoài trường đối với học sinh bậc tiểu học nhưng vì vấn đề quản lý lỏng lẻo nên cấm cũng như không.

Lớp 1 thì học thêm cái gì ?

Phản hồi về thông tin này, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng đây là vấn nạn rất nghiêm trọng của ngành giáo dục. "Trước đây Bộ và các sở làm nghiêm nên chuyện học thêm của tiểu học hầu như không có. Nhưng dạo này rất rầm rộ và công khai. Vào đầu năm học em nào cũng bị chê chậm, yếu. Cha mẹ lo sợ nên cho con đi học thêm, ở chính nhà cô. Con đã học cả ngày rất mệt mỏi rồi mà vẫn phải "cày" thêm 2 tiếng nữa. Cần phải chấm dứt chuyện này", BĐ Ken Man bức xúc.
Tương tự, BĐ Ngoc Chuong cho biết con của mình cũng gặp tình trạng tương tự như vậy nhưng "không cho đi học thêm thì không được". "Lớp mấy cũng học thêm, từ lớp 1 đến lớp 3 hầu như học cả tuần. Đã cấm thì làm cho quyết liệt", BĐ Ngoc Chuong đề nghị.
BĐ Trúc Mai bức xúc: "Tôi không hiểu các bé lớp 1 thì phải học thêm cái gì, trong khi ở lứa tuổi này chỉ cần dạy các cháu những điều cơ bản nhất, biết tự ăn, tự vệ sinh cơ thể được đã là tốt rồi. Đây là lứa tuổi vừa học vừa chơi vậy mà suốt ngày bắt đi học thêm".
"Luật thì đã có rồi nhưng thực hiện như thế nào mới là vấn đề chính. Dạy thêm tràn lan, gây mất thời gian, tốn kém tiền bạc cho gia đình học sinh. Không học thì bị nhắc khéo. Rất phản giáo dục. Phải chấm dứt vấn nạn này", BĐ Hoai Nam thẳng thắn.

Phải giảm tải tối đa cho học sinh

Bên cạnh việc phê phán những trường hợp cố tình vi phạm quy định dạy và học thêm thì nhiều ý kiến cũng cho rằng có thể do chương trình học quá nặng đã gây nên áp lực cho giáo viên và học sinh. Chính vì vậy ngoài việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động dạy và học thêm thì nhiều BĐ cũng cho rằng cái cốt lõi chính là phải giảm tải tối đa chương trình học cho các em tiểu học, đặc biệt là những bé mới chập chững vào lớp 1.
"Không thể tin được lớp 1 mà cũng phải đi học thêm. Ở lứa tuổi này các bé vừa học vừa chơi, chứ không phải là bắt ép học "tối mặt, tối mày", nhồi nhét kiến thức. Phải giảm tải tối đa cho các bé, chỉ cần dạy trẻ biết đọc, biết viết những gì cơ bản nhất. Trẻ không cần phải đi học thêm tối ngày, kể cả ngày nghỉ, chỉ học ở trường là đủ", BĐ Minh Trực nêu quan điểm.
Tương tự, BĐ Phuong Nguyen ý kiến: “Học sinh lớp 1 đã phải học thêm vậy Bộ GD-ĐT có biết do chương trình quá nặng hay do giáo viên cố tình muốn ép học sinh đi học thêm? Đề nghị chương trình lớp 1 chỉ nên dạy học sinh biết đọc biết viết trong một năm, chỉ dạy tiếng Việt, các môn khác chỉ là môn phụ học mỗi tuần một tiết".
“O ép học sinh học thêm, học nhồi nhét, học liên hồi bất tận, không có thời gian vui chơi cho trẻ là phản giáo dục, là triệt tiêu sáng tạo... Để tình trạng này xảy ra thì Bộ, ngành GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chính”, BĐ Tung Loc thẳng thắn.
Khổ cho mấy đứa nhỏ, mất hết tuổi thơ. Rêu Phong Luật thì có hết rồi, nhưng có ai đi kiểm tra xem mấy chỗ trung tâm kia có làm đúng luật không mới là vấn đề lớn.
Khoa Nguyen
Nghề giáo viên rất cao quý và đáng kính trọng. Xin đừng để những tiêu cực này làm xấu, làm hoen ố nền giáo dục.
Trường Giang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.