'Cô gái tử vong bên vỉa hè Sài Gòn': Bức xúc tột cùng về sự vô cảm

28/06/2019 00:00 GMT+7

Câu chuyện cô gái trẻ bị tai nạn giao thông nằm bất động trên vỉa hè nhưng hàng chục người đi qua, thậm chí dừng lại mà không ai giúp đỡ dẫn đến nạn nhân tử vong sau đó, khiến bạn đọc bức xúc về sự vô cảm.

Khoảng 3 giờ 12 ngày 25.6, một vụ tai nạn giao thông giữa xe taxi Vinasun và xe máy do một người nam điều khiển chở sau xe là một cô gái trẻ xảy ra tại khu vực giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM). Vụ tai nạn khiến cô gái tử vong sau đó.

co-gai-tre-chet-giua-sai-gon-khong-ai-cuu-27062019_1

Theo một đoạn clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn thương tâm này cho thấy trong khoảng 11 phút có 5 ô tô con (kể cả chiếc taxi liên quan trực tiếp vụ tai nạn), 1 chiếc xe tải, hơn 32 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp đi qua vị trí cô gái trẻ nằm bất động. Tuy nhiên, không một ai trong số này dừng lại cứu giúp nạn nhân.

Sự vô cảm giết người

Chỉ trong vòng vài tiếng sau khi đăng tải thông tin, hàng trăm bình luận của bạn đọc (BĐ) đã gửi về Thanh Niên thể hiện sự phẫn nộ. Đa số lên án cách hành xử quá vô cảm của những người chứng kiến vụ việc nhưng không cứu giúp nạn nhân.
Đầu tiên là người tài xế taxi trong vụ va chạm. Theo hình ảnh trong clip, sau khi xảy ra va chạm, người tài xế taxi dừng xe mở cửa bước xuống, đến gần nạn nhân nam quan sát. Trong vòng 20 giây, người này ngó tới ngó lui thấy đoạn đường vắng người qua lại thì lên xe điều khiển chạy khỏi hiện trường, để lại hai nạn nhân nằm bất động.
''Một hành động mất nhân tính. Một sự vô cảm thật đáng sợ. Chưa biết ai đúng ai sai trong vụ tai nạn, tuy nhiên, là con người thì ít nhất anh tài xế này cũng phải điện thoại gọi cấp cứu hoặc lực lượng chức năng 113 để họ có thể tới cứu giúp người bị nạn. Đằng này anh ta lại chạy trốn, bỏ mặc nạn nhân", BĐ Tấn Phương (TP.HCM) bức xúc.
Không chỉ thất vọng với tài xế taxi liên quan trực tiếp trong vụ va chạm, BĐ còn lên án cách hành xử quá vô cảm của những người chứng kiến sự việc nhưng chỉ đứng nhìn chỉ trỏ một cách bàng quan, hoặc bỏ đi chứ không có hành động giúp nạn nhân. "Thật vô cảm! Đạo đức con người xuống cấp đến vậy sao. Chính sự vô cảm của những người này đã "góp phần" giết chết cô gái trẻ", BĐ Đức Linh (TP.HCM) bức xúc.

Vì đâu vô cảm ?

Trong các ý kiến gửi về Thanh Niên, một số BĐ cho rằng có thể những người chứng kiến không giúp nạn nhân vì sợ bị vạ lây, rắc rối chứ không phải họ vô cảm, vì thực tế đã từng xảy ra những tình huống như vậy.
"Tôi cũng không đồng tình với sự vô cảm của những người xuất hiện trong clip. Nhưng tôi cũng có một ý kiến trái chiều. Có thể đoán ra phần nào nguyên nhân họ không vào cứu người. Một lý do là sợ phiền phức. Ta đọc báo hằng ngày đã thấy quá nhiều sự vụ bị ''vạ lây'' vì hào hiệp, hay lòng tốt bị lợi dụng. Xã hội bây giờ quá nhiễu nhương, thật giả lẫn lộn, luật lệ và cơ quan chức năng thì buông lỏng kiểm soát, tệ nạn hoành hành, thì sự vô tâm lan rộng là hậu quả tất yếu", BĐ T.Mai (TP.HCM) nêu ý kiến.
Tuy nhiên nhiều độc giả không đồng tình với quan điểm này, bạn Nguyên Khang (Hà Nội) phản bác: "Đấy chỉ là những cái cớ để biện minh cho sự ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Vậy nay mai nếu mình bị nạn thì có ai giúp không, hay ngoảnh mặt làm ngơ?".
"Đừng ngụy biện! Tại sao những người đi qua hoặc có mặt ở đó không nhấc điện thoại gọi báo cơ quan chức năng như 113, 115 và hô hoán để những người xung quanh cùng phụ giúp nạn nhân. Vấn đề là họ có muốn làm hay không", BĐ Anh Dũng (Hà Nội) bức xúc.
Trong khi đó, BĐ Nguyễn Vinh Thái (TP.HCM) đề xuất: "Trong trường hợp này theo tôi hãy đến cơ quan công an phường gần nhất báo để anh em công an trực và đội dân phòng đến giải quyết đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Hai là gọi điện thoại cho cảnh sát 113 để nhờ giúp đỡ".

Theo quy định tại bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1.1.2018):

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.