Làm việc ở... 'âm phủ'

02/06/2020 06:02 GMT+7

Trong lòng đất tối om, Rơ Châm Sao mò mẫm đào từng xẻng đất cho vào gàu để bên trên tời lên. Cuộc mưu sinh đầy hiểm nguy, bất trắc dưới giếng đất sâu...

Nắng hạn kéo dài, các tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên khô khát nặng, khiến người dân phải đào giếng, cảo giếng (nạo giếng) tìm nước tưới, sinh hoạt. Vì sinh kế, đã có nhiều người bỏ mạng vì bị ngạt khí, ngộ độc khí khi xuống giếng sâu.
Xốc lại bộ đồ bám bụi, đang khô cứng bởi bùn đất bazan, Rơ Châm Sao ở xã Al, H.Chư Sê (Gia Lai) vịn giàn giáo, bám dây đu xuống giếng sâu hơn 25 m. Đào được một lúc, anh Sao gọi với: “Lên đi!”. Một người trong nhóm quay cần tời gàu đất lên. Chả là mấy hôm nay, giếng nhà ông Nay Win cạn nước. Ông thuê nhóm này tới cảo giếng với giá 700.000 đồng/m. Hôm nay là ngày đầu tiên. Trong lòng đất tối om, Sao mò mẫm đào từng xẻng đất cho vào gàu để bên trên tời lên. Cuộc mưu sinh đầy hiểm nguy, bất trắc dưới giếng đất sâu.

Giếng khô, người khát

Tây nguyên được các nhà khoa học dự báo là một trong những khu vực ở Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn về biến đổi khí hậu. Mùa khô năm nay, nền nhiệt độ tại TP.Pleiku (Gia Lai) và các huyện phụ cận tăng cao. Đất khô người khát. Tại phố núi Pleiku, nhiều vùng chưa có hệ thống nước máy đã diễn ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tưới cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, một hộ dân ở xã An Phú, TP.Pleiku, nói: “Tôi năm nay đã gần 60 tuổi nhưng chưa thấy năm nào hạn như thế này. Giếng của gia đình tôi sâu 18 m, mùa khô những năm trước luôn không cạn nước, vậy mà năm nay trơ khốc. Tôi phải thuê người với giá đào 1 triệu đồng/m để cảo giếng. Mấy năm trước nghe tin chỗ này chỗ kia có người ngạt khí dưới giếng nên sợ quá. Tôi phải mở nắp giếng mấy ngày, thả cành cây tươi kéo lên kéo xuống nhiều lần, đem thả cả vịt xuống giếng thử rồi mới dám kêu thợ xuống đào. Đề phòng chứ có chuyện gì thì khổ cho cả người ta lẫn mình”.

Một thợ đào giếng bị ngạt khí, khi chuyển đến bệnh viện thì đã muộn

Hình chụp lại từ clip của nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai

Tại H.Đăk Pơ, nắng hạn khiến hơn 800 giếng đào bị khô cạn, dẫn đến tình trạng hơn 1.000 hộ dân thiếu nước. Huyện bên cạnh là K’bang, tình trạng có khá hơn nhưng cũng bị ảnh hưởng không ít bởi nắng hạn. Hàng trăm héc ta cây trồng thiếu nước, hơn 200 giếng đào bị khô.
Tại các huyện khác như Đăk Đoa, Chư Sê… cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Hiện Gia Lai đã có trên dưới 3.000 ha cây trồng bị hạn. Nhiều sông suối trơ đáy khiến nguồn nước sinh hoạt, nước tưới, cho gia súc uống cũng bị thiếu hụt.
Nguyên nhân là từ cuối năm 2019 đến tháng 4.2020, Gia Lai không có mưa hoặc lượng mưa không đáng kể. Chỉ mới gần đây xuất hiện vài cơn giông. Nhiều địa phương của tỉnh này vẫn đang bị ảnh hưởng do hạn hán. Mùa khô này, nhiều người làm nghề đào giếng, cảo giếng đắt hàng, công việc làm không xuể. Giá cả vì thế cũng tăng cao do cầu vượt cung. Ông Nguyễn Đình Hòa, một người đào giếng lâu năm, nói: “Tùy tầng đất mà công đào khác nhau, trung bình đào giếng mới giá từ 300.000 - 500.000 đồng/m, cảo giếng thì giá có thể lên đến cả triệu đồng/m, tăng hơn năm trước từ 100.000 - 300.000 đồng/m”.

Giếng nước ở xã Kông Htok, nơi anh Siu Mang tử vong, 4 người khác cấp cứu do ngạt khí

Ảnh: Hiếu Trần

Tử nghiệp

Cứ mỗi mùa khô, khắp cao nguyên lại rộ lên tin tức chỗ này, chỗ kia có người tử nạn dưới giếng sâu. Vì cuộc mưu sinh vất vả, lắm khi thợ đào giếng phải trả giá bằng tính mạng.
Thông thường ở khu vực Tây nguyên, giếng nước được đào khá sâu, từ 10 - 15 m, thậm chí lên đến 20 - 25 m. Theo nhiều thợ đào giếng, khi xuống càng sâu, lượng ô xy càng loãng nên hít thở không thể như bình thường. Nhiệt độ ở dưới giếng sâu cũng cao hơn nên rất khó chịu. Do vậy, thỉnh thoảng phía trên phải đổ một ít nước xuống để người đứng bên dưới có thể dễ chịu hơn.
Làm việc ở... “âm phủ”

Mưu sinh dưới giếng sâu

Ngột ngạt, khó chịu và hiểm nguy rình rập là cảnh họ phải đối mặt. Những vết chai sạn trên tay, đất đỏ bazan bám lấy các kẽ móng tay, móng chân ngày sang ngày dù có vệ sinh kỹ đến mức nào cũng khó xóa được, chỉ có khi bỏ nghề một thời gian.
Mới trung tuần tháng 5 vừa qua, tại xã Kông Htok, H.Chư Sê (Gia Lai) xảy ra vụ tử vong do cảo giếng gây hoảng loạn cho những người chứng kiến. Ông Kpuih Huyt (41 tuổi), một nạn nhân may mắn thoát chết trong gang tấc, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Siu Mang (32 tuổi) nó mới xuống giếng, gọi đã không thấy trả lời. Mình và 4 người nữa lần lượt thay nhau trèo xuống. Mới chỉ xuống được độ hơn 5 m, mình đã thấy khó thở, choáng váng. Những người khác cũng vậy. Mọi người được đưa đi cấp cứu, may mà thoát chết. Buồn là Siu Mang đã không còn”.
Nguyên nhân là trước đó giếng trong nhà bị khô, Siu Mang sẵn nghề đào giếng nên anh nhờ thêm vài người xuống giếng sâu hơn 15 m để cảo tìm nước. Siu Mang đã thả rơm khô, đổ thêm 2 bịch ni lông đựng xăng xuống giếng để đốt xua đuổi côn trùng trước ngày nạo vét giếng. Hành động này vô tình đã thành tai họa khi môi trường yếm khí dưới giếng, gây ngạt khí khi trèo xuống.
Ngày 17.4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu 2 nạn nhân Rơ Châm Đeo (45 tuổi) và Siu Ngel (32 tuổi) cùng ngụ xã Ia Hrú, H.Chư Pưh trong tình trạng ngạt khí. Nhưng mọi nỗ lực của các nhân viên y tế đều không có kết quả.
Làm việc ở... “âm phủ”

Nhiều giếng có độ sâu gần 30 m, rất nguy hiểm

Trước đó, do hạn nặng nên giếng nước của gia đình bị cạn. Hai anh em cột chèo là Rơ Châm Đeo và Siu Ngel đã cảo giếng để sử dụng. Khi giếng đào xuống được 20 m thì có nước. Gia đình đưa máy nổ xuống giếng để bơm cạn nước, tiếp tục đào sâu xuống. Nhưng sáng 17.4, sau khi máy nổ bơm nước xong, hai anh em Rơ Châm Đeo và Siu Ngel xuống giếng để đào tiếp thì bị ngạt khí tử vong.
Còn nhớ cách đây nhiều năm trước, một vụ ngạt khí thương tâm ở xã An Phú, TP.Pleiku gây chấn động cả nước khi trong một buổi chiều, 6 người xuống giếng sâu và lần lượt tử vong. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về mẫu khí, mẫu nước lấy từ giếng nước nhà ông Nguyễn Thành Dũng - nơi xảy ra vụ việc, cho thấy: mẫu khí có nồng độ cacbonit (CO2) cao hơn 60 lần chỉ số CO2 bình thường trong không khí). Nếu khi hít thở không khí có chứa 0,5% khí CO2 sẽ gây đau đầu, chóng mặt; 5% sẽ gây khó thở; 10% sẽ gây bất tỉnh sau vài phút; nồng độ cao hơn có thể gây chết người.
Những chuyện thương tâm khác như trượt chân khi trèo xuống giếng sâu, dây kéo bị đứt… dẫn đến tai nạn, thậm chí tử vong không phải là hiếm! Anh Siu Jem, một thợ đào giếng ở Gia Lai, chua chát: “Làm việc như ở âm phủ. Vì kiếm tiền nuôi con, nuôi mình nên phải cố thôi! Cẩn thận nhưng gặp vận xui thì họa đến liền”.
Một tốp thợ đào giếng trung bình có từ 3 - 4 người. Trang bị của họ mang theo là bộ tời, một số cuốc xẻng ngắn cán để phù hợp khi đào giếng sâu, trong khoảng không gian chật hẹp. Đặc biệt, họ phải có sức khỏe hơn người. Một thợ đào giếng cho biết đào xong một cái giếng tầm 15 m phải mất từ 10 - 15 ngày hoặc hơn tùy điều kiện địa chất. Và ít nhất họ phải được nghỉ vài ba ngày cho lại sức trước khi bước vào đào giếng mới hoặc cảo giếng. Mỗi tốp đào giếng đều lận lưng những bí quyết để chống ngạt khí như đặt máy quạt chĩa xuống giếng, lấy cành cây tươi kéo lên, kéo xuống để lưu thông không khí… Dù vậy, nhiều trường hợp không may, ảnh hưởng đến sinh mạng đã xảy ra.
Bác sĩ Kiều Văn Bước, Trưởng khoa Hồi sức - chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, khuyến cáo: “Thường nạn nhân bị ngạt khí mê tan, CO2, CO. Nếu phát hiện và cấp cứu kịp thời thì khả năng ảnh hưởng đến tính mạng sẽ thấp. Chỉ vài phút nạn nhân ngưng tim là khó có thể cứu được. Những người xuống giếng sâu phải cẩn thận, chẳng hạn như có thể đưa một con vịt xuống giếng, nếu vịt bị chết thì tuyệt đối không được xuống. Hay nếu xuống giếng thì phải có vài người ở trên để ứng cứu kịp thời, tránh bị ngạt khí… Nói chung là phải cẩn thận, không được chủ quan, khinh suất để tránh xảy ra những vụ ngạt khí, dẫn đến tử vong”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.