Sửa đổi bộ luật Lao động: Làm quá gấp gáp, bỏ qua rất nhiều thủ tục

Vũ Hân
Vũ Hân
27/05/2019 06:52 GMT+7

Với một bộ luật có tính chất quan trọng và có tác động lớn như bộ luật Lao động, chất lượng quan trọng hơn rất nhiều so với tiến độ.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng tiếng nói quyết định của đối tượng tác động là người lao động khiến các đại biểu (ĐB) QH, những người phải thảo luận chính sách, rồi bấm nút thông qua, thấp thỏm.
Chiều 19.5 là một buổi chiều chủ nhật nóng như đổ lửa, nhưng các vị ĐBQH vẫn phải đến họp thẩm tra dự án luật với Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bởi sáng hôm sau QH đã khai mạc. Khi đến dự họp, các vị ĐB chưa kịp đọc dự thảo. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phàn nàn dự án luật được chuẩn bị quá gấp gáp, nên rất nhiều quy trình bị bỏ qua, như việc phải gửi dự thảo cho các đoàn trước 45 ngày, gửi các ĐB trước 20 ngày để nghiên cứu. Theo ông Cương, khi đưa ra thảo luận ở QH, chắc chắn nhiều ĐB sẽ có ý kiến về việc này.
Tại buổi thẩm tra, hầu hết ĐB phát biểu góp ý đều đề nghị nên lấy ý kiến rộng rãi người dân về việc này, thậm chí ngay cả khi đã đưa ra QH cho ý kiến.
Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng việc đăng tải dự thảo để lấy ý kiến mới được thực hiện từ 28.4 đến 28.6, và đến 8.5 mới nhận được ý kiến góp ý của
50 bộ, ngành, tổ chức và địa phương (11 bộ, ngành; 3 tổ chức chính trị - xã hội, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, UBND TP.Đà Nẵng, 30 sở LĐ-TB-XH và 4 đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB-XH) là chưa toàn diện; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cập nhật tổng hợp, báo cáo giải trình, bổ sung đầy đủ để trình QH. Ủy ban cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tờ trình và hồ sơ dự án chưa phản ánh ý kiến của người lao động là nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, rộng lớn nhất của việc sửa đổi bộ luật này.
“Việc sửa đổi bộ luật có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội, do đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, nhất là nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các nội dung sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện nội dung một cách thận trọng, kỹ lưỡng các vấn đề được điều chỉnh, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội khi trình QH xem xét, thông qua”, văn bản góp ý của ủy ban nêu rõ.

Quỹ BHXH kết dư ra sao ?

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH gửi kèm hồ sơ dự án luật, số thu BHXH ước thực hiện 2018 là 221.717 tỉ đồng. Tỷ lệ số chi chế độ BHXH/số thu quỹ trong năm 2018 là 69,8%. Lũy kế số dư Quỹ BHXH đến hết 31.12.2018 là 631,111 tỉ đồng, lũy kế kết dư quỹ 579.378 tỉ đồng.
Về cơ bản, tình hình Quỹ BHXH đảm bảo cân đối thu chi và có kết dư, đặc biệt với quỹ thành phần là quỹ hưu trí và tử tuất, số chi/số thu trong năm giai đoạn 2013 - 2018 có chiều hướng giảm, và tỷ lệ kết dư thì tăng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.