Làm luật theo tư duy bao cấp thì không có nguồn lực nào đảm bảo được

05/04/2017 18:45 GMT+7

Đây là ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại hội nghị đại biểu chuyên trách thảo luận về dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) diễn ra sáng 5.4 tại Hà Nội.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật này tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay tiếp thu ý kiến các ĐBQH, dự thảo luật đã hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước và quy định thu hẹp các đối tượng được hỗ trợ.
Ông Thanh cho biết, dự Luật tập trung hỗ trợ cụ thể cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh lại nội dung hỗ trợ có liên quan đến sử dụng ngân sách nhà nước như nguồn tín dụng hỗ trợ từ Nhà nước và nguồn vốn của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Liên quan đến ý kiến cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ông Thanh cho biết dự Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ có cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV để phù hợp đặc điểm, tình hình của từng thời kỳ.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các nội dung hỗ trợ DNNVV trong dự Luật nhiều điều khoản chưa thể thực hiện được. ĐB Hàm nêu ví dụ về quy định Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa rõ.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, dự luật này đưa ra quá nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy DNNVV nên không đảm bảo khả thi. ĐB Lợi cho rằng nên xem xét tập trung vào các chính sách có tính chất tác động, thúc đẩy các DNNVV để hiệu quả hơn như hỗ trợ tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm chung về việc phải có lộ trình từ nay đến 2019 sửa một số luật để phù hợp luật Hỗ trợ DNNVV như các luật về thuế, luật Đất đai, luật Các tổ chức tín dụng... Theo ông Hiển, điều nhiều ĐBQH lo lắng là tính khả thi, tác động của luật này, do vậy cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải cung cấp thêm thông tin cho các ĐQBH về những vấn đề trên để các ĐBQH có cơ sở quyết định.
Ông Hiển cũng lưu ý việc sửa đổi chính sách thuế để khuyến khích DN là cần thiết, nhưng cũng chỉ có thời hạn nhất định, tương tự các quy định về hỗ trợ tiếp cận tín dụng phải trên nguyên tắc thị trường, có cơ chế bão lãnh, bù lãi suất… song phải phù hợp khả năng ngân sách.
Dẫn ra bài học nhiều chính sách thời gian qua do không tính toán, cân đối nguồn lực dẫn đến không đi vào cuộc sống ông Hiển nhấn mạnh nguyên tắc “Nhà nước chỉ là bà đỡ, là người tạo điều kiện”. “Nếu xây dựng luật theo tư duy bao cấp thì không có nguồn lực nào đảm bảo được”, ông Hiển nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.