'Làm chỗ trú mưa dưới dạ cầu vượt sẽ phát sinh rủi ro khó lường'

24/10/2015 21:20 GMT+7

(TNO) "Giải pháp làm chỗ trú mưa cho xe máy dưới dạ cầu vượt cần nghiên cứu thêm vì sẽ phát sinh rủi ro khó lường, tốn kém và khó quản lý", tiến sĩ – chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết.

(TNO) "Giải pháp làm chỗ trú mưa cho xe máy dưới dạ cầu vượt cần nghiên cứu thêm vì sẽ phát sinh rủi ro khó lường, tốn kém và khó quản lý", tiến sĩ – chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết. 

Thời gian gần đây, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ngày càng gia tăng ở TP.HCM, ngành Giao thông vận tải thành phố liên tục đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe, Thanh Niên Online có cuộc trao đổi ngắn với tiến sĩ – chuyên gia giao thông Phạm Sanh chung quanh các giải pháp này.
- Thưa ông, hiện tượng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại TP.HCM trong thời gian gần đây, đặc biệt tại các nút giao mới được xây dựng, cải tạo như Hàng Xanh, Lăng Cha Cả, ngã tư Thủ Đức, Phạm văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn và các đoạn đường bị thắt cổ chai như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Tất Thành... do những nguyên nhân gì?
Chuyên gia Phạm Sanh: Nguyên nhân chính là nhu cầu giao thông tăng cao (trên 10%) trong khi phát triển hạ tầng và giao thông công cộng không theo kịp (chỉ 2%).
Bên cạnh đó, thành phố đang mùa mưa và mưa là ngập đường, hành vi ứng xử người tham gia giao thông quá quắc, xe cộ dừng đậu nghẽn đường, mặt đường không bằng phẳng do tái lập, lề đường bị lấn chiếm mua bán.
Tóm lại, quá trình nhu cầu đi lại vận chuyển vượt quá khả năng của con đường hay nút giao thông, nên đã gây ra từ ùn ứ, đến ùn tắc và kẹt xe nghiêm trọng đúng quy luật và thực trạng giao thông như nhiều thành phố trên thế giới.
- Ông đánh giá thế nào về giải pháp “chỗ trú mưa” dưới dạ cầu?
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh: Để giải quyết tình trạng kẹt xe, ngành Giao thông vận tải thành phố đã đưa ra rất nhiều giải pháp tháo gỡ, cả biện pháp công trình lẫn biện pháp tổ chức giao thông.
Riêng tại nút giao thông Hàng Xanh, khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã đề nghị nhiều biện pháp như cho xe gắn máy lên cầu vượt một số giờ cao điểm trong ngày, mở rộng thêm đoạn xe buýt vào đón trả khách tại Đại học Công nghệ (Hutech), làm chỗ trú mưa cho người đi bộ và xe máy dưới dạ cầu vượt, tổ chức giao thông một chiều đường D5, mở rộng làn chờ giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh – Ung văn Khiêm…
Chú ý, nút giao Hàng Xanh chỉ kẹt xe dưới cầu vượt và chủ yếu do các dòng xe rẽ trái quá lớn, các biện pháp Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đưa ra chỉ mang tính tình thế trước mắt, tăng khả năng thông qua nút và hạn chế nhu cầu vào nút, chỉ giảm ùn ứ một phần nhỏ nào đó thôi.
Riêng giải pháp làm chỗ trú mưa cho xe máy dưới dạ cầu vượt cần nghiên cứu thêm vì sẽ phát sinh rủi ro khó lường, tốn kém và khó quản lý.
Vỉa hè giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phan Văn Trị sẽ bị xén để mở rộng làn xe lưu thông, giảm kẹt xe - Ảnh: Diệp Đức Minh chụp ngày 24.10.2015.
Theo tôi nên khảo sát nhu cầu giao thông thực tế qua nút và mạng lưới giao thông các khu vực xung quanh như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng…, mô phỏng và đưa ra các giải pháp dài hạn, thử nghiệm và sau đó kiên cố.
Trước mắt chỉ nên cho xe máy lên cầu vượt, giải tỏa lòng lề đường trong khu vực tầm nhìn của nút, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông theo giờ và luôn có lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong điều tiết, tổ chức giao thông.
Các chỗ khác cũng vậy, trước mắt tập trung các giải pháp loại bỏ các hiện tượng gây ra kẹt xe trong giờ cao điểm như dừng đậu xe, giải tỏa lòng lề đường, xe ô tô từ các ngõ đâm ra, giải tỏa mở rộng tầm nhìn các chỗ giao nhau…
Vấn đề vẫn ở chỗ quy hoạch và tầm nhìn hạn chế, chưa điều tra và quản lý được nhu cầu giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thành phố quản lý quy hoạch chưa tốt, tổ chức giao thông chưa thông minh và ý thức người tham gia giao thông lẫn trách nhiệm người thi hành công vụ chưa cao.
- Còn về giải pháp xén vỉa hè để giảm kẹt xe?
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh: Quá tốt! Vì biện pháp này sẽ giúp mở rộng thêm làn xe. Bởi thực tế hiện nay có nhiều tuyến đường vỉa hè quá rộng nhưng không sử dụng mà bị lấn chiếm. Chỉ sợ Sở GTVT làm không được thôi. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp trước mắt.
- Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho Thanh Niên Online!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.