Làm cách nào để dân dám kiện “quan”?

05/06/2010 00:11 GMT+7

Có nên mở rộng quyền khởi kiện trực tiếp tại tòa hành chính cho người dân; làm thế nào để chấm dứt cảnh người dân “chạy lòng vòng” khiếu nại... là những vấn đề được các ĐB QH tập trung “mổ xẻ” trong phiên thảo luận tổ chiều 4.6 về dự luật Tố tụng hành chính (TTHC).

Mở rộng quyền khởi kiện

ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) bày tỏ sự tán thành cao với đề xuất của Ủy ban Tư pháp về việc cho phép người dân được lựa chọn thêm phương án khởi kiện trực tiếp tại tòa hành chính khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền.

 Cần nghiên cứu hình thành và tổ chức sớm tòa án hành chính tách rời khỏi địa bàn hành chính, hình thành theo hướng tòa khu vực thì tính độc lập của thẩm phán mới thể hiện rõ.

ĐB Trương Văn Vở
(Đồng Nai)

Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) cho rằng, khi người dân đã chán khiếu nại cơ quan nhà nước, rất nhiều người muốn khởi kiện tại tòa nhưng mắc chỗ này, vướng chỗ kia nên quyền lợi chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do pháp luật quy định chưa đầy đủ, làm cho quan hệ giữa người dân và cơ quan công quyền ách tắc.

Theo ĐB Bùi Văn Duôi (Hòa Bình), Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ra đời năm 1996, tuy nhiên, qua số liệu thống kê mới thấy rõ “thực trạng thảm hại” thế nào: Trong 10 năm, từ 1996 - 2006, mỗi tòa án cấp huyện chỉ thụ lý 0,8 vụ/năm; cấp tỉnh 8 vụ/năm. Giai đoạn 2006 -2009, mỗi năm tòa cấp huyện xử có 1 vụ, cấp tỉnh xử 3 vụ. “Điều đó có nghĩa là không ai muốn đến tòa hành chính. Dân ta muốn giải quyết bằng con đường khiếu nại vì không muốn kiện chủ tịch tỉnh hay chủ tịch huyện ra tòa. Luật Tố tụng hành chính phải giải quyết được những bất cập hiện nay để dân tin tòa hơn mà tìm đến khiếu kiện”, ĐB Duôi đề nghị.

Khi bị dân kiện, ai sẽ ra tòa hành chính?

Để đảm bảo mở rộng quyền khởi kiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề xuất 4 giải pháp khi ban hành Luật TTHC và một trong các giải pháp đó là phải đảm bảo tính độc lập của tòa án, của thẩm phán trong xét xử. “Cần nghiên cứu hình thành và tổ chức sớm tòa án hành chính tách rời khỏi địa bàn hành chính, hình thành theo hướng tòa khu vực thì tính độc lập của thẩm phán mới thể hiện rõ”, ông Vở đề nghị.

Hôm qua, QH cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 66, quy định các tiêu chí công trình, dự án tại VN và các công trình, dự án đầu tư ra nước ngoài do QH quyết định. Đa số các ý kiến đều tán đồng với việc dự thảo nâng tiêu chí vốn của công trình từ 20.000 tỉ đồng lên 30.000 tỉ đồng và có sử dụng 30% vốn nhà nước thì do QH quyết định chủ trương đầu tư. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị, không nên quy định sử dụng 30% vốn nhà nước mà cụ thể hóa là chiếm từ 2% GDP trở lên thì do QH quyết.

M.Xuân

ĐB Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) cũng cho rằng phải tạo ra cơ chế để công tác xét xử nói chung và xét xử hành chính nói riêng khách quan, đúng luật, muốn vậy, phải đảm bảo để thẩm phán độc lập, khách quan trong xét xử. “Khi bị dân kiện, ai sẽ ra tòa hành chính, ngoài các ông chủ tịch và giám đốc sở?”, ông Lợi đặt câu hỏi và tự lý giải vấn đề: Đúng là chúng ta đã có cải tiến một bước như chánh án do tòa án bổ nhiệm theo ngành dọc, kinh phí tách ra không lệ thuộc chính quyền địa phương nhưng chưa phải tốt hẳn. Chánh án khi xét xử ông chủ tịch huyện còn phải dè chừng, vì ông chủ tịch huyện còn làm phó bí thư, phụ trách Đảng ủy khối. Theo ông Lợi, “muốn bảo đảm xét xử được thì phải phân định các cơ quan xét xử theo khu vực chứ như bây giờ thì nguyên tắc hay nhưng thực hiện rất gay”.

Cách chức lãnh đạo nếu không chịu thi hành án

Trước thực tế lâu nay phán quyết của tòa chưa được thực thi nghiêm túc do quyết định hành chính sai, bị hủy, chậm trễ... nguyên nhân phụ thuộc vào cơ quan hành chính từng cấp, ĐB Trương Văn Vở đề nghị: trong điều kiện chưa có tài phán hành chính, luật nên quy định rõ hơn các biện pháp thi hành án hành chính. “Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính bằng cách xác định rõ hình thức kỷ luật đối với cơ quan, người đứng đầu cơ quan hành chính không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Thậm chí, buộc phải bồi thường cho người dân nếu vì sự tắc trách của cơ quan hành chính mà kéo dài việc thực thi phán quyết của tòa án, gây thiệt hại cho người dân”, ông Vở nhấn mạnh.

Luật gia Phạm Quốc Anh (ĐB Đồng Nai) cũng phân vân khi thú thực “sẽ bấm nút thông qua luật này nhưng tôi tin chả làm được nếu không có cuộc cách mạng quyết liệt”. Dẫn thực tế các vụ kiện hành chính hiện nay, lãnh đạo cơ quan công quyền khi bị kiện quyết định hoặc hành vi hành chính thường cử cấp dưới đi hầu tòa thay rồi về báo cáo lại, ĐB Quốc Anh cho rằng, phải có biện pháp xử lý hành chính, cách chức hay buộc thôi việc thế nào đó với những người không chịu thực thi quy định của pháp luật. Ở mình không có thói quen từ chức, luôn luôn biến báo nọ kia rồi đâu để đấy. “Luật hay thì thật là hay, xem ra thực hiện chẳng biết ra thế nào?”, vị luật gia này lo lắng.

Thành lập tòa khu vực mới xử được án hành chính

Bên lề phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đã trả lời PV Thanh Niên.

* Thưa bà, nhiều ĐB QH khi thảo luận tổ về dự luật Tố tụng hành chính đều lo ngại về tính khả thi của luật này khi áp dụng vào thực tế vì bản chất của luật này là giải quyết câu chuyện dân kiện “quan” vốn đang tồn tại rất nhiều bất cập lâu nay. Theo bà thì trở ngại lớn nhất khi thực thi luật trong thực tế là gì?

- Lo nhất là sự đồng bộ. Nếu các cơ chế không đồng bộ thì rất khó thực thi. Tòa giải quyết được rồi nhưng nếu trách nhiệm của các cơ quan hành chính không cao thì rõ ràng việc thi hành bản án này không phải là dễ. Hơn nữa, nếu không có cơ quan nào quản lý, theo dõi thì rồi cuối cùng chẳng ai đánh giá được, chẳng ai chỉ ra được ai sai, ai đúng, cũng không có cơ chế để xử lý trách nhiệm của những người có thẩm quyền bị khiếu kiện phải thi hành án mà không chịu thi hành án. Đó là những cái đáng lo nhất.

* Một thành viên của Ủy ban TVQH khi thảo luận về dự luật này tại phiên họp thường vụ trước đó cũng đã nói rằng khó mà thoát khỏi vòng kim cô của tòa hành chính nếu không có sự độc lập của tòa án, thẩm phán. Theo bà, cần giải pháp gì để tháo vòng kim cô đó?

- Không chỉ có tòa hành chính, mà tất cả các tòa, các cơ quan tư pháp hiện nay, trong đó có phòng chống tham nhũng, cũng rất cần tính độc lập. Tôi rất tin tưởng sẽ làm được điều đó, nhất là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cho phép xây dựng tòa án theo hướng tách khỏi lệ giới hành chính, tức là thành lập tòa xét xử theo thẩm quyền như tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm. Tòa sơ thẩm theo hướng hiện nay, sắp tới nếu triển khai được đề án sẽ thành lập tòa khu vực, mà tòa khu vực sẽ không lệ thuộc bộ máy hành chính, cũng như cấp ủy Đảng ở cấp huyện. Còn tổ chức Đảng của các tòa sắp tới như thế nào, chúng ta còn phải chờ để thông qua xây dựng đề án.

Muốn cho tòa độc lập, thì phải tổ chức cho tòa một hệ thống Đảng phù hợp, tức là ở trên TAND tối cao có thể có Đảng ủy, dưới đó có các cấp ủy Đảng trực thuộc Đảng ủy của TAND tối cao. Như vậy sẽ không liên quan tới cấp ủy của địa phương.

* Để đảm bảo thực thi pháp luật trong giải quyết khiếu kiện hành chính được chấp hành nghiêm chỉnh, theo bà có nên quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong dự luật này?

- Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, chúng tôi cũng đề nghị nên có quy định trách nhiệm của người đứng đầu hoặc người có hành vi hành chính bị khiếu kiện là phải chấp hành án như thế nào. Tại sao khi tòa án tuyên án được phép nhân danh nhà nước? Vì cơ  chế phán quyết của tòa là cơ chế có hiệu lực pháp luật và được tôn trọng. Cho nên người ta cho phép tòa án đưa ra phán quyết nào là phải nhân danh Nhà nước CHXHCN VN. Vì vậy, giá trị chấp hành rất cao. Một nơi nào đó, một chỗ nào đó chưa chấp hành án, thì rõ ràng là không tuân thủ theo tinh thần hiến pháp và pháp luật.

Nguyệt Minh
(thực hiện)

Nguyệt Minh - Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.