Lá thư tay mùa đại dịch

Nhật Linh
Nhật Linh
13/04/2020 09:38 GMT+7

Món quà đặc biệt mà chị Trúc vẫn giữ bên mình là lá thư tay mà các chiến sĩ Sư đoàn 317 tặng khi chị hoàn thành cách ly tập trung mùa đại dịch Covid-19 .

Dẫu tất bật với bao hành lý mang theo, chị Võ Thị Thanh Trúc (29 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn giữ thật phẳng chiếc thư tay bên mình. Chị Thanh Trúc nâng niu lá thư bởi đây là món quà mà các chiến sĩ Sư đoàn 317 - Quân khu 7 đã tặng chị khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung hôm 3.4.
Vài ngày trước đó, các chiến sĩ Sư đoàn 317 đã tự tay làm quà gửi tặng công dân khu cách ly. Trong hàng trăm món quà, chị Thanh Trúc đã chọn bức thư tay đề chữ “Đức” thư pháp thật to. Chị nói, đây là cách để chị nhắc mình luôn phải mở lòng giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi sự trả ơn, như những tình cảm mà chị và nhiều công dân khác đã nhận được trong hơn 14 ngày sống tại khu cách ly.

Một kỷ niệm khó quên trong đời

Chị Thanh Trúc sống và làm việc tại Malaysia. Ngày 18.3, sau một hành trình dài quá cảnh tại Singapore và chờ nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chị được đưa về cách ly tập trung tại Sư đoàn 317 - Quân khu 7. Chào đón chị là phòng ốc tinh tươm, chăn màn ngăn nắp và ổ bánh mì đậm vị quê nhà. Chị Trúc cho biết, căn phòng chị ở vốn là phòng làm việc của các sĩ quan sư đoàn, nhưng được sắp xếp lại để nhường chỗ cho người cách ly.
Trong những ngày cách ly, ngoài 3 bữa chính thì các nhu yếu phẩm và nước uống đều được các chiến sĩ đưa đến tận phòng. “Bột giặt, bàn chải, kem đánh răng, khăn lau…, tất cả đều được phục vụ tận tình và tận nơi. Nhờ vậy mà không còn sợ hai chữ cách ly được ghi trong giấy kiểm dịch y tế nữa”, chị Thanh Trúc chia sẻ.
“Mình ở khu cách ly từ khi cây lên chồi đến khi nở hoa, từ khi sung vừa ra trái đến khi chín đỏ. Tổng cộng 17 ngày do trễ kết quả xét nghiệm”, chị Thanh Trúc hóm hỉnh và nói: “Điều mình quan tâm khi đó không phải cách ly còn bao nhiêu ngày mà là còn được ở đây bao nhiêu ngày nữa”.

Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 317 vẫy chào các công dân cách ly trở về với gia đình

Ảnh: Nhật Linh

Ngày được các chiến sĩ Sư đoàn 317 tổ chức tặng quà, chị Thanh Trúc không khỏi bất ngờ, dù đó không phải là những món quà cầu kỳ. Tất cả đều là mô hình giấy và thư pháp ghi những lời động viên cùng nhau vượt qua mùa đại dịch. Chị Thanh Trúc bùi ngùi: “Lâu lắm không nhận thư tay. Thời buổi công nghệ, được ai đó cầm bút viết từng chữ vào thư là rất quý. Chứng tỏ người tặng đã bỏ rất nhiều tâm sức và thời gian vào đó”.
Giữ lá thư tay như lời nhắc về một kỷ niệm khó quên trong đời, chị Thanh Trúc chia sẻ, cách ly không quá cô đơn hay đáng sợ như mọi người nghĩ. Nhiều hạnh phúc giản đơn lại được tìm thấy ngay trong những hoàn cảnh không mong đợi nhất. Và đó là những gì chị đã nhận được ở khu cách ly: “Thật sự rất biết ơn các cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ tại sư đoàn. Tôi thấy thật sự như đang ở nhà và được chăm lo bởi những người thân yêu”.
Tối 2.4 vừa qua, 100% người cách ly tại Sư đoàn 317 đã có kết quả âm tính lần 2 với Covid-19, đủ điều kiện hoàn thành cách ly. Sáng 3.4, công dân khu cách ly được tổ chức đưa về các đầu mối giao thông trên địa bàn TP.HCM. Chị Thanh Trúc đã về với vòng tay gia đình.
Nhưng với những người ở lại, như đại tá Nguyễn Văn Răng, Phó giám đốc Trung tâm cách ly tại Sư đoàn 317, thì chia sẻ: “Nhận được kết quả, không chỉ bà con mừng mà cả ban chỉ huy cũng rất phấn khởi. Điều trăn trở nhất vẫn là chưa thể đưa bà con ở các tỉnh thành xa về đến nơi đến chốn, cũng vì điều kiện không cho phép”.

“Việc gì tốt thì mình cứ làm”

Tại khu B Trường Quân sự Quân khu 7 (Q.12, TP.HCM), trung tá Lê Minh Tiến, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, chia sẻ đến hết ngày 18.3, Tiểu đoàn tiếp nhận 343 người đến cách ly tập trung. 37 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 2, trong đó có 16 sĩ quan dự bị quân y đã trực tiếp tham gia phục vụ công tác cách ly.
Mỗi ngày, các chiến sĩ là người tiếp xúc, đưa cơm nước, nhu yếu phẩm, vận chuyển đồ tiếp tế, vệ sinh môi trường và hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chăm sóc người cách ly. Tất cả các công tác hỗ trợ, các chiến sĩ luôn phải mặc đồ bảo hộ và đưa đến tận phòng cho mọi người. “Kể cả khi có trường hợp dương tính, đội ngũ y bác sĩ cần hỗ trợ gì, các chiến sĩ cũng luôn sẵn sàng”, trung tá Lê Minh Tiến cho biết thêm.
Lá thư tay mùa đại dịch

Ra vào khu cách ly, các chiến sĩ đều phải mặc đồ bảo hộ và phun thuốc khử trùng

Vào những ngày cuối mùa nắng ở Sài Gòn, dù mướt mải mồ hôi trong đồ bảo hộ sau những ca trực dài lên xuống thang bộ liên tục, các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 vẫn nở nụ cười bảo rằng đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của quân nhân.
Từ khi nhận lệnh triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, đón tiếp công dân đến cách ly, cả Tiểu đoàn 2 đều ở hẳn lại đơn vị. Được biết, sau khi công dân hoàn thành cách ly, các chiến sĩ sẽ tự cách ly thêm ít nhất một tuần để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo. Dù chưa biết được ngày về với gia đình, nhưng các chiến sĩ chia sẻ vẫn luôn giữ tinh thần vui vẻ vì được phục vụ công dân.
Khi được hỏi về những khó khăn tại tiểu đoàn, trung tá Lê Minh Tiến chỉ cười và nói: “Bộ đội mà! Việc gì tốt thì mình cứ làm, kể chi khó khăn”.

Những lá thư tri ân

Vài ngày trước khi công dân hoàn thành cách ly, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Trường Quân sự Quân khu 7 đã gửi thư ngỏ đến từng cá nhân và mở hòm thư điện tử nhận góp ý về công tác phục vụ cách ly. Ngay lập tức, hòm thư nhận được hàng trăm lá thư cảm ơn đầy ắp những lời chia sẻ với khó khăn, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ.
Trong đó, chị Bùi Thị Thanh Nga (ngụ Q.7, TP.HCM) đến tận trường để gửi lá thư tay nắn nót những lời cảm ơn lãnh đạo và các chiến sĩ khu cách ly đã tận tình chăm sóc con gái mình. Đầu thư, chị Thanh Nga chia sẻ: “14 ngày cách ly tập trung là khoảng thời gian quý báu giúp cháu tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, được sẻ chia, được các cán bộ y bác sĩ, chiến sĩ tận tình chăm sóc hằng ngày với 3 bữa ăn ngon, sạch sẽ và chất chứa sự tận tụy”.

Lá thư tay của chị Bùi Thị Thanh Nga cảm ơn cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 7

Chị Thanh Nga cho biết, chị là phụ huynh của một du học sinh trở về từ New York (Mỹ). Với tâm lý của cha mẹ, những ngày đầu, chị nghĩ rằng con mình “bị” đi cách ly. Nhưng sau lần đưa thêm quần áo vào cho con, thấy được tác phong làm việc của các chiến sĩ và qua lời con kể, chị thay đổi cách nghĩ, gọi con là “được đi cách ly”. “Những lần được đồng nghiệp hỏi thăm, mình đều nói con mẹ Nga được đi cách ly. Con được chăm sóc y tế, được mọi người quan tâm”, chị Thanh Nga kể lại.
Chuẩn bị hành trang cho con đi học xa, chị Thanh Nga cho biết đã giáo dục con mình cách tự lập và khả năng thích nghi. Nhưng để con vui vẻ và hoàn thành 14 ngày cách ly không một lời phiền hà, chị nghĩ lý do phải đến từ cung cách và thái độ làm việc của các bác sĩ và chiến sĩ.
Cuối thư, chị Thanh Nga viết thêm: “Cảm ơn các chiến sĩ đã nhường chỗ cho các em được chỗ ở sạch sẽ, thoáng mát. Thật ấn tượng với cung cách phục vụ của anh em chiến sĩ và các bạn tình nguyện viên. Chúng tôi rất tự hào là công dân của đất nước Việt Nam thân yêu”.
Nhận được những phản hồi tích cực từ công dân thuộc diện cách ly y tế, thượng tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, bày tỏ: “Nhà trường rất cảm động và nhận thức được rằng đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình để tiếp tục thực hiện tốt hơn”.
Theo thượng tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, trường bắt đầu tiếp nhận người đến cách ly từ ngày 15.3. Đến ngày 18.3, khu cách ly tại khu A và B của trường được xếp kín với gần 900 công dân Việt Nam và các vùng lãnh thổ.
72 cán bộ, chiến sĩ là học viên của trường, trong đó có 16 sĩ quan dự bị quân y, tất cả đã qua tập huấn nghiệp vụ y tế và công tác đảm bảo an ninh trật tự để trực tiếp tham gia phục vụ công dân. Kết thúc giai đoạn cách ly lần thứ nhất, nhà trường tiếp tục chuẩn bị các phương án bổ sung, kiện toàn lực lượng ban chỉ đạo, lực lượng phục vụ, sẵn sàng đón tiếp công dân trong tình huống cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.