Kỳ vọng vào những thành quả mới

27/01/2017 00:00 GMT+7

Xuân lại về, đây là một mùa xuân đang làm người dân cả nước kỳ vọng về sự chuyển động tích cực của cả guồng máy chính trị từ trung ương xuống đến cơ sở.

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trí tuệ của toàn Đảng, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân đã được huy động tổng lực để tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV. Những lời tuyên thệ trách nhiệm, mạnh mẽ, cảm động của các vị đứng đầu đất nước trước Quốc hội cùng đồng bào cả nước đã mang đến một luồng sinh khí mới về một bộ máy lãnh đạo nguyện sẵn sàng vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển và trường tồn của đất nước.
Trong lời tuyên thệ tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thẳng thắn: “Hiện nay đất nước đang ở tình trạng nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội"...
Cử tri cả nước tin rằng Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư có trọng điểm, có chất lượng và luôn chắt chiu, tiết kiệm từng đồng tiền từ nguồn thuế của người dân lao động, của các doanh nghiệp đóng góp. Với một tư duy như thế, những năm tới, đất nước sẽ bớt đi nhiều dự án làm rồi mà không hiệu quả phải đắp chiếu, nhiều công trình văn hóa, bảo tàng, quảng trường, tượng đài... xây dựng chưa cần thiết. Chính phủ sẽ dành kinh phí đó (dù còn hạn hẹp) để chăm lo phúc lợi xã hội sao cho thiết thực hơn, giúp đời sống của người dân hơn, cho các gia đình chính sách ngày một cải thiện thực sự, không phô trương lãng phí.
Đất nước đang đứng trước những thách thức rất lớn, là gánh nặng nợ công, cải cách hệ thống ngân hàng nhằm giảm nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty nhà nước và bài trừ tham nhũng. Đó là chưa kể còn rất nhiều công việc khác như ứng phó với thiên tai và khắc phục cả những hậu quả do chính con người gây ra.
Một cuộc họp hôm gần đây của Văn phòng Chính phủ cho chúng ta những con số rất đáng suy nghĩ: Tính chung trong cả nước, từ đầu năm đến 28.11.2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 10.241 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm triển khai, yêu cầu báo cáo và cho ý kiến thực hiện. Trong đó, có 5.860 nhiệm vụ đã hoàn thành; chưa hoàn thành 4.381 nhiệm vụ (trong hạn 4.186 và quá hạn là 195). Vậy thì cần phải cải cách hành chính sao cho thật hanh thông, không bị ùn tắc, "đá quả bóng trách nhiệm" lên cấp trên.
Muốn hoàn thành tất cả những công việc nặng nề đó thì các cơ quan hành pháp "phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí", như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp đầu tiên của nội các hồi tháng 5.2016.
Việc xây dựng một bộ máy "liêm chính, minh bạch, hiệu quả" như vậy không thể thành công nếu thiếu "bệ đỡ" hết sức quan trọng là công tác chỉnh đốn Đảng - tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Trong lịch sử, chúng ta đã từng có nhiều nghị quyết về vấn đề này, để lại những dấu ấn nhất định ở từng giai đoạn. Song Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30.10.2016 có những điểm rất khác, bởi sự sâu sắc, cặn kẽ, chuẩn xác, thấm thía. Nghị quyết chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Cách chỉ ra các dấu hiệu như vậy là quá rõ. Từ đó, mọi cán bộ, đảng viên tự soi lại chính mình, để sửa mình trước khi quá muộn.
Để góp phần thực hiện nghị quyết nói trên, Bộ Chính trị lại có Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19.12.2016 "Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên" do Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành. Theo đó, quy định khá chi tiết như nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống tiệc tùng, tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi...
Rồi ngay tức thì, ngày 20.12.2016, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh lại ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức tết năm 2017, trong đó có nhắc nhở các cấp bộ Đảng phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21.12.2012 của Ban Bí thư khóa XI về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp tết, lễ hội…
Như thế đủ thấy cả hệ thống chính trị của chúng ta đang vào cuộc nhịp nhàng, bổ trợ chặt chẽ cho nhau trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nhìn vào một số địa phương trên cả nước những tháng qua, dấu hiệu chuyển động về tư duy và hành động của bộ máy Đảng, chính quyền sẽ thấy rất rõ. Chính vì thế, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân rất kỳ vọng vào một năm mới với nhiều thành quả mới hơn bao giờ hết.
Ảnh: Ngọc Thắng
Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng Tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ảnh: Ngọc Thắng
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm cho cuộc cạnh tranh về nhân tài và trí tuệ trở thành một cuộc đua tranh toàn thế giới, trong đó ưu thế đang thuộc về các nước phát triển.
Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam phải ra sức xây dựng, phát triển và phát huy nguồn lực trí tuệ của toàn dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
ẢNH: TTXVN
Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao. Chưa bao giờ khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ảnh: Ngọc Thắng
Quốc hội là dân, do dân bầu ra, nói tiếng nói của dân, nghe được hơi thở,
cuộc sống, tâm tư của dân. Tất cả phải trở thành cuộc thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, làm sao để 3 chức năng cơ bản của Quốc hội là lập pháp, giám sát, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước được làm thật tốt. Làm tốt những cái đó chính là dân chủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội  năm 2017

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.