Kỳ vọng là cuộc cách mạng về lương

Thu Hằng
Thu Hằng
06/05/2018 09:00 GMT+7

Với những điểm mới trong đề án Cải cách chính sách tiền lương, nhiều chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là một cuộc cách mạng tạo động lực để NLĐ cống hiến và xóa bỏ cơ chế trả lương bình quân, cào bằng.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng nội dung cải cách của đề án lần này ban hành hệ thống thang bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo là đúng và phù hợp. Vì lâu nay tiền lương gần như cào bằng, dẫn đến nhiều cái bất hợp lý, làm giảm động lực cống hiến của NLĐ. “Hiện nay, khu vực DN về cơ bản đang đi theo hướng tiếp cận nền kinh tế thị trường, trả lương theo năng lực, hạn chế trả lương theo thâm niên để đảm bảo nguyên tắc làm việc như nhau, lương như nhau. Đối với khu vực công, tôi kỳ vọng đề án mới sẽ khắc phục được những tồn tại, thực hiện phân phối lại công bằng, người nào làm tốt, làm nhiều có hiệu quả lương sẽ cao hơn. Người nào làm không tốt, lâu năm nhưng làm việc giản đơn thì phải hưởng lương thấp hơn”, ông Huân chia sẻ.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá cao việc thiết kế lại cơ cấu tiền lương gồm phần cứng chiếm ít nhất 70% mức thu nhập của NLĐ còn các loại phụ cấp (như tiền phụ cấp thu hút, thâm niên, ngành nghề… trước đây phân ra thành 20 loại, nay nhóm lại còn 3 nhóm) chỉ chiếm 30%, để NLĐ thấy rằng tiền lương đích thực là tiền lương. Và tiền lương này được trả theo số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ cách tính lương theo hệ số, thay vào đó là quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối NLĐ dễ hiểu hơn, lương bao nhiêu là biết bấy nhiêu, không phải lấy lương cơ sở nhân với hệ số, nhân với phụ cấp nữa.
Ông Lợi cho rằng, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương đòi hỏi có sự cải cách đồng bộ với nhiều chính sách khác nhau có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: cải cách hành chính, cải cách tài chính công, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách trợ giúp xã hội, đồng thời phải xuất phát từ tình hình bối cảnh thực tiễn ở VN hiện nay. “Nếu như chúng ta làm được điều này sẽ có một chính sách tiền lương minh bạch, đáp ứng nhu cầu sống của người làm công ăn lương, nâng cao năng lực, hiệu suất phục vụ nhân dân, đặc biệt là sẽ góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, chạy chức chạy quyền”, ông Lợi nói.
Trong khi đó, nhìn nhận việc đề xuất để DN tự quyết tiền lương trên cơ sở tăng cường sự thỏa thuận của các bên, trong đó có vai trò công đoàn của đề án mới là chủ trương rất đúng và hay, song PGS -TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, băn khoăn: “Vấn đề quan trọng là tăng vai trò công đoàn lên như thế nào để công đoàn có thể can thiệp và cùng chủ DN thỏa thuận mức lương cho NLĐ. Đây mới là vấn đề chúng ta cần trả lời và giải quyết một cách thấu đáo. Nếu chỉ nói tăng cường vai trò một cách chung chung mà không thấy rằng tổ chức công đoàn vốn dĩ đã yếu, nhất là ở cấp cơ sở thì làm sao có thể bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.