Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI: Dự án Luật Thanh niên ra mắt Quốc hội

24/05/2005 23:44 GMT+7

Ngày 24/5, Chính phủ đã trình Quốc hội 5 dự án luật để xin ý kiến: Luật Thanh niên; Luật Giao dịch điện tử; Luật Nhà ở; Luật Công an nhân dân và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Dự án Luật Thanh niên được trình ra Quốc hội với hệ thống các tài liệu tham khảo dành cho đại biểu đồ sộ chưa từng có. Đặt vấn đề về sự cần thiết phải ban hành Luật Thanh niên trong tình hình hiện nay, quyền Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đào Ngọc Dung cho rằng, cùng với sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo, ham học hỏi thì thanh niên hiện nay đang đứng trước những khó khăn, hạn chế như trình độ học vấn, nghề nghiệp chuyên môn còn thấp, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm còn phổ biến, tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, mại dâm trong thanh niên diễn biến phức tạp...

Dự án Luật Thanh niên gồm 6 chương 33 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên. Theo Ban soạn thảo, có 5 vấn đề cần xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trong Dự án Luật Thanh niên.

Thứ nhất về độ tuổi thanh niên. Dự án Luật quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên mở rộng độ tuổi thanh niên từ 16 đến 35 tuổi. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh  niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo và cho rằng xác định tuổi thanh niên Việt Nam từ 16 đến 30 là có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam cũng như phù hợp với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thứ hai về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, dự án luật quy định theo hướng quyền và nghĩa vụ của thanh niên đối với Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân; tập trung quy định một số quyền, nghĩa vụ đặc thù của thanh niên trong học tập, lao động, bảo vệ Tổ quốc, khoa học, công nghệ, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Thứ ba, chính sách của Nhà nước đối với một số đối tượng thanh niên như thanh niên vị thành niên, nữ thanh niên, thanh niên xung phong, tài năng trẻ...

Thứ tư là vấn đề quản lý Nhà nước về công tác thanh niên. Có ý kiến đề nghị cần quy định về tổ chức, bộ máy quản lý công tác thanh niên ở các bộ, ngành, địa phương. Ý kiến khác đề nghị cần xác định rõ hơn vị trí của cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thanh niên. Quan điểm của T.Ư Đoàn là Chính phủ thống nhất quản lý công tác thanh niên và Ủy ban Quốc gia về thanh niên là cơ quan giúp Thủ tướng trong việc tổ chức phối hợp những vấn đề liên quan.

Vấn đề thứ năm cần xin ý kiến Quốc hội là tổ chức thanh niên có nên quy định một chương riêng về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức khác của thanh niên, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong đoàn kết, tập hợp thanh niên hay không. Đây cũng là vấn đề gây phân hóa về mặt quan điểm trong Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật Thanh niên vào ngày 7/6 tới đây.

* Một trong những dự án luật được cử tri quan tâm nhất trong kỳ họp này là Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. So với Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành (ban hành từ năm 1998), dự án luật này chi tiết và cụ thể hơn rất nhiều, trong đó quy định đầy đủ, chi tiết hơn về hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ với các cơ quan nhà nước, cho cán bộ, công chức...; có các quy định mới về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi xảy ra tình trạng lãng phí... Phạm vi điều chỉnh của dự án luật được mở rộng hơn, tới 7 lĩnh vực, trong đó, bên cạnh những lĩnh vực được quy định như trước đây về tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, trong đầu tư, xây dựng trụ sở... dự án đã mở rộng ra lĩnh vực quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên, qua thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách cho rằng, các quy định về tiết kiệm và chống lãng phí của dự luật còn "chưa thể hiện đậm nét trong những lĩnh vực có nhiều lãng phí", đặc biệt ở những nội dung về quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch, kế hoạch đầu tư.

Dự án Luật Nhà ở: Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho mọi người

Ngày 24/5, Chính phủ đã trình ra Quốc hội Dự án Luật Nhà ở với mong muốn tạo ra nhiều loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng trong xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay chính là việc giải quyết tình trạng đầu cơ nhà ở, đất ở thì dự án luật lại đề cập một cách không rõ ràng. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), ông Phan Trung Lý đã trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên về vấn đề này.

* Thưa ông, nhiều người cho rằng, trong luật thiếu các quy định về sự tham gia của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính vào thị trường nhà ở, người dân muốn cải thiện nhà ở có thể vay tiền ở đâu, lãi suất ra sao, thời hạn bao lâu…?

- Trong dự án luật cũng có đề cập, chỉ có điều không cụ thể. Nhưng theo tôi, trong này có đưa ra hình thức nhà thuê mua (khác với trả góp) rất hay. Lúc đầu thuê nhà, định kỳ trả tiền thuê theo quy định, hết thời hạn theo hợp đồng thì được công nhận quyền sở hữu nhà. Đây là một cách để giúp những người không đủ tiền mua nhà ngay một lúc nhưng cuối cùng vẫn được sở hữu nhà.

* Thưa ông, trong dự án luật đặt vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Như vậy là để có thể giao dịch bất động sản (nhà và đất) người dân phải làm 2 loại giấy (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) theo 2 quy trình khác nhau?

- Quan điểm của tôi ngay từ đầu vẫn là cấp 2 giấy vì thực ra, tính chất của 2 loại này khác nhau: nhà là quyền sở hữu còn đất chỉ là quyền sử dụng. Hơn nữa có loại nhà mà người sở hữu chính là người có quyền sử dụng đất nhưng cũng có loại xây nhà mà không có quyền sử dụng đất. Tôi hiểu nhiều người băn khoăn về chuyện sẽ gây phiền hà cho dân. Nhưng sự phiền hà không nằm ở chỗ 1 giấy hay 2 giấy mà ở cách làm của chúng ta. Nếu cải cách hành chính tốt, thủ tục trình tự đúng, không nhũng nhiễu dân thì tôi nghĩ không có vấn đề gì.

* Nhưng có thể nhìn thấy ngay rằng, nếu 2 giấy người dân sẽ phải làm 2 quy trình khác nhau tại 2 cơ quan khác nhau và như vậy không thể nói là không phiền hà?

- Việc phân công cho cơ quan nào làm việc gì lại là chuyện khác. Về mặt nguyên tắc thì chúng ta phải định ra phương thức cấp giấy như thế nào sau đó mới quyết định phân công cho tổ chức nào làm. Nhưng đúng là ở đây có chuyện chúng ta đang làm ngược, phân công việc cho tổ chức trước (ví dụ tài nguyên - môi trường cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, xây dựng cấp chứng nhận sở hữu nhà) rồi các cơ quan này mới định ra thủ tục, thành ra gây dư luận không tốt.

Quốc hội sẽ còn cho ý kiến về Dự án Luật Nhà ở nhưng hiện nay vẫn có 2 phương án: nếu nhà ở xây dựng không liên quan đến quyền sử dụng đất thì cấp 2 giấy riêng biệt; nếu nhà ở được xây dựng trên mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chủ sở hữu nhà đồng thời là chủ sử dụng đất thì ghi chứng nhận 2 quyền đó chung trong một giấy.

Tuyết Nhung (thực hiện)

Mạnh Quân - Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.