Kỳ án oan sai - Kỳ 3: 33 năm mới được minh oan

10/04/2015 05:56 GMT+7

Bốn người mang thân phận bị can và phải 33 năm khiếu nại khắp nơi, đến khi được trả lại sự trong sạch thì một người trong số họ đã qua đời.

Bốn người mang thân phận bị can và phải 33 năm khiếu nại khắp nơi, đến khi được trả lại sự trong sạch thì một người trong số họ đã qua đời.
Từ phải qua: Ông Tâm, Tình, đại diện gia đình ông Long, ông Thành tại buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra vụ án ngày 29.5.2014 - Ảnh: Mai Trâm
Ngày 29.5.2014, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44), Công an TP.Cần Thơ họp để thông báo về việc đình chỉ điều tra vụ án lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Phạm Văn Tâm (81 tuổi, ngụ P.Trà An, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), Võ Thành Long (64 tuổi, đã chết), Trần Công Thành (64 tuổi), Mã Lương Tình (59 tuổi, cùng ngụ P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy) do không chứng minh được tội phạm.
“Cứ về đi rồi từ từ giải quyết”
Theo hồ sơ vụ án, ngày 1.7.1981, kho vật tư của Công ty công trình 4.3 (đường Lê Hồng Phong, P.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, Hậu Giang (cũ) bị kẻ gian đột nhập lấy cắp 103 dây cu roa và 1 lốc tủ lạnh. Nhận tin báo, Phòng Bảo vệ kinh tế và Phòng Trinh sát kỹ thuật Công an tỉnh Hậu Giang tiến hành khám nghiệm hiện trường. Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, Phòng Bảo vệ kinh tế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam ông Tâm, Long, Thành, Tình, nhân viên Công ty công trình 4.3. Tuy nhiên, 4 người này đã không thừa nhận việc lấy cắp tài sản, mà chỉ nhận phần trách nhiệm để xảy ra vụ việc.
Ngày 15.12.1981, Phòng Bảo vệ kinh tế chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát kinh tế để tiếp tục làm rõ, nhưng cả 4 bị can vẫn không nhận tội. Sau khi bị tạm giam hơn 9 tháng, ngày 22.4.1982, Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra lệnh tạm tha 4 bị can.
Theo trình bày của ông Thành, khi được tạm tha, ông có yêu cầu làm rõ việc mình có tội hay không, nếu có thì xử lý theo pháp luật, nếu không thì phải phục hồi mọi quyền lợi cho ông như bình thường. Tuy nhiên, lúc đó ông chỉ được cán bộ công an trả lời là “cứ về đi rồi từ từ giải quyết”. Sau đó, ông Thành cùng ông Tâm, Long, Tình làm đơn khiếu nại liên tục đến nhiều nơi nhưng vẫn không được giải quyết.
Theo đại tá Trần Văn Tuấn, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.Cần Thơ, đầu năm 2014 Công an TP.Cần Thơ được sự chỉ đạo của Bộ Công an và Thành ủy TP.Cần Thơ yêu cầu phải làm rõ việc khiếu nại của ông Thành. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, PC44 xét thấy do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được 4 bị can trên đã thực hiện hành vi phạm tội nên ngày 16.5.2014, PC44 ra các quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can.
Đến thời điểm này, ông Long đã mất gần 6 năm.
Đòi bồi thường 3,8 tỉ đồng
Ngày 12.11.2014, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ tiến hành làm việc với Công an, Viện KSND, TAND TP.Cần Thơ nhằm giám sát về tình hình oan, sai và việc bồi thường cho người bị oan trong giai đoạn 2011 - 2014; trong đó đặc biệt lưu ý đến 3 trường hợp khiếu nại kéo dài của các ông Lê Văn Chuẩn (Q.Thốt Nốt, khiếu nại oan 22 năm), ông Nguyễn Văn Triều (Q.Cái Răng, khiếu nại oan 19 năm) và ông Trần Công Thành (cùng 3 người khác ngụ Q.Bình Thủy, khiếu nại oan 33 năm). Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã xác định việc bắt giam ông Thành cùng 3 người khác là bị oan, trách nhiệm bồi thường thuộc Viện KSND TP.Cần Thơ.
Sau đó, ông Thành, Tâm, Tình và gia đình ông Long làm đơn yêu cầu Viện KSND TP.Cần Thơ bồi thường, gồm xin lỗi công khai tại nơi cư trú, bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần (những ngày bị giam và những ngày mang thân phận bị can) và bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ ngày bị giam đến ngày được đình chỉ điều tra (tổng cộng 406 tháng). Tổng số tiền mỗi người yêu cầu bồi thường là gần 950 triệu đồng. Viện KSND TP.Cần Thơ đã lập biên bản ghi nhận ý kiến của các ông và gia đình về việc yêu cầu tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế phù hợp.
Đến ngày 8.1, bà Nguyễn Thị Chúc, đại diện Viện KSND TP.Cần Thơ, đã có báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ, cho biết Viện KSND đang thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan của các ông Tâm, Tình, Thành và đại diện gia đình của ông Long.
Thương lượng bất thành
Sáng 9.4, Viện KSND TP.Cần Thơ mời ông Phạm Văn Tâm, Trần Công Thành, Mã Lương Tình và đại diện gia đình ông Võ Thành Long đến cơ quan này để thương lượng việc bồi thường theo đơn yêu cầu. Tại buổi thương lượng, đại diện Viện KSND cho rằng việc yêu cầu bồi thường của các bị oan là không phù hợp với Thông tư liên tịch số 05, ngày 2.11.2012, hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo điều 7, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút quy định người bị thiệt hại (kể cả trường hợp đã chết) chỉ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất trong thời gian họ bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù... Riêng việc bồi thường về tổn thất tinh thần sẽ được tính từ ngày bị tạm giam đến ngày được đình chỉ điều tra. Ông Tình, ông Tâm và đại diện gia đình ông Long đã đồng ý với cách tính của đại diện Viện KSND; riêng đại diện ông Thành không đồng ý nên việc thương lượng không thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.