Kỳ 5: Mạnh tay trị kiểu làm chụp giật

18/01/2013 00:15 GMT+7

Dịch vụ đòi nợ thuê ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, nhưng đa phần làm ăn chụp giật. Muốn tồn tại, bản thân các dịch vụ này phải tự chấn chỉnh để tạo cái nhìn thiện cảm cho xã hội.

Mạnh tay trị kiểu làm chụp giật
Nhân viên của một công ty đòi nợ thuê đi đòi nợ mặc áo quần tùy tiện, không đeo bảng tên, khó có thể biết đó là nhân viên của công ty - Ảnh: Đàm Huy

Đòi đàng hoàng dễ lấy nợ hơn

Đối với lĩnh vực đòi nợ thuê, tìm được trường hợp đòi được tiền của khách nợ đúng quy định, đúng pháp luật quả là hiếm. Hiện trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 19 cơ sở (gồm công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện) kinh doanh loại hình dịch vụ đòi nợ thuê, trụ sở đặt tại các quận: 1, 5, 6, 8, 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Các dịch vụ đòi nợ thuê này được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (PC64), Công an TP.HCM quản lý khá chặt chẽ. Trong số các đơn vị hoạt động trên địa bàn, chỉ có 2 đơn vị từ trước đến nay chưa bị PC64 lập biên bản xử lý vi phạm. Đó là Công ty đòi nợ C.T ở Q.Phú Nhuận và Công ty đòi nợ X.R ở Q.Bình Thạnh.

Giữa tháng 5.2012, chúng tôi đã đến tìm hiểu quá trình hoạt động của Công ty đòi nợ C.T ở Q.Phú Nhuận và được biết công ty này thành lập từ năm 2009; đến nay đã thực hiện được hàng trăm hợp đồng đòi nợ. Theo quan điểm của ông N.T.T (giám đốc), để đòi được nợ phải biết kiên nhẫn chờ đợi và làm đúng theo pháp luật, không cần đe dọa. Vị giám đốc này bật mí: “Trước khi ký hợp đồng với khách hàng, công ty phải tìm hiểu hồ sơ giấy tờ nợ, sau đó đến gặp trực tiếp khách nợ xác nhận nợ thì công ty mới ký hợp đồng đòi nợ. Thêm kinh nghiệm nữa, công ty ưu tiên cho trường hợp khách nợ còn tài sản mới ký hợp đồng, bởi việc đòi nợ sẽ khả thi hơn”. Như vừa qua, Công ty đòi nợ C.T đã ký hợp đồng với bà N.T.H (ngụ Q.10) để đi đòi ông K. (ngụ Q.Tân Phú) hơn 2,5 tỉ đồng. Đòi trả 1 lần, ông K. không chịu trả. Sau nhiều lần đi lại, nhân viên của Công ty C.T vẫn kiên nhẫn đợi chờ. Sau khi đưa ra phương án trả nợ từng tháng, công ty đã thuyết phục được ông K. trả được một phần nợ cho bà H. Tương tự, một công ty hóa nhựa ở Bình Dương đã bị một công ty ở Q.Bình Tân (TP.HCM) nợ hơn 500 triệu đồng. Mặc dù công ty ở Q.Bình Tân có khả năng thanh toán nhưng không chịu trả tiền. Kiên trì thuyết phục đúng sai trong đạo đức kinh doanh và hai bên làm phiền nhau mệt mỏi, cuối cùng công ty nợ tiền đã thanh toán một phần số tiền trên.

Giám đốc của công ty đòi nợ thuê ở Q.Phú Nhuận than, cơ quan công an chưa có cái nhìn thiện cảm đối với loại hình này. Loại hình công ty đòi nợ thuê ra đời để thay thế công việc đòi nợ thuê trước đây do bọn giang hồ, xã hội đen chiếm lĩnh gây ra biết bao vụ vi phạm pháp luật. Công ty đòi nợ thuê được cấp phép, quản lý dĩ nhiên sẽ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) hơn xã hội đen.

Tuy nhiên, để xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn, các công ty đòi nợ thuê trước hết phải tự nhìn lại chính mình.

Cần chấn chỉnh

Một thực tế không thể phủ nhận, đó là hiện có quá nhiều công ty đòi nợ thuê đã vì lợi nhuận bất chấp pháp luật. “Đây là ngành nghề mới đưa vào quản lý về ANTT theo Nghị định 72/2009/NĐ-PC của Chính phủ; hiện nay số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng thời gian tới sẽ phát triển nhanh về số lượng do thu nhập cao và ít rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ tiềm ẩn nhiều khả năng phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức mang tính xã hội đen. Trong khi đó, một số quy định chưa rõ ràng về ngành nghề này đã gây khó khăn cho công tác quản lý cho ngành công an” - PC64 nhận định. Trước tình hình này, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp quản lý như thống kê xác minh lý lịch từng nhân viên của công ty đòi nợ; yêu cầu công ty báo cáo tình hình hoạt động theo định kỳ… Ngoài ra, trong quá trình quản lý, cơ quan chức năng đã phát hiện một số bất cập kiến nghị sửa đổi, bổ sung để công tác quản lý ngày một chặt chẽ hơn. 

Theo quy định, văn phòng của công ty đòi nợ thuê không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, không phải báo cáo danh sách nhân viên cho công an địa phương. Sau khi văn phòng chi nhánh ký hợp đồng, công ty sẽ điều nhân viên ở các tỉnh, thành khác đến đòi nợ theo hợp đồng đã ký. Từ đó, số nhân viên được điều đến, công an địa phương không nắm được. Đây là lỗ hổng mà nhiều công ty đòi nợ lợi dụng đưa thành phần phức tạp từ nơi khác đến để đòi nợ.

Ông Nguyễn Thanh Tòng (Giám đốc Công ty TNHH thu nợ Công Tâm ở đường Hoa Lan, Q.Phú Nhuận) kiến nghị cơ quan quản lý cần sớm tổ chức họp định kỳ các công ty đòi nợ để gặp nhau góp ý, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến quy định nhằm quản lý tốt hơn, tránh trường hợp sử dụng xã hội đen. Về lâu về dài cũng cần thành lập hiệp hội dành cho lĩnh vực đòi nợ thuê để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Một cán bộ của Công an TP.HCM đề nghị sớm đưa ra quy định nhân viên của đơn vị đòi nợ thuê phải mặc đồng phục; tăng cường số lần kiểm tra trong năm; không nên cho phép nhân viên của đơn vị đòi nợ thuê có quyền đi đòi nợ trên phạm vi toàn quốc vì nhân viên đi đòi nợ thuê cần được quản lý, giám sát chặt chẽ. Một lãnh đạo PC64 (Công an TP.HCM) từng thừa nhận rằng hiện các quy định về dịch vụ đòi nợ thuê rất chung chung nên khi vụ việc xảy ra rất khó xử lý. Như chuyện chưa có quy định đồng phục đã phát sinh nhiều phức tạp. Các công ty cho nhân viên ăn mặc rất "ngầu", cố tình khoe hình xăm để uy hiếp tinh thần con nợ. Rồi cách thức đến công ty, nhà của con nợ để đòi nợ mỗi nơi mỗi kiểu, rất khó nói là "vi phạm". Những vấn đề này cần phải được cụ thể hóa thì cơ quan chức năng mới có cơ sở xử lý nhằm răn đe, giáo dục, chấn chỉnh lại loại hình phức tạp này.

Đàm Huy

>> Kỳ 4: Từ bom bẩn đến mìn tự chế
>> Kỳ 3: Nhiều nạn nhân tố cáo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.