Kiểu kinh doanh kỳ lạ của Petroland !: Thao túng gây thua lỗ

14/11/2018 06:15 GMT+7

Nhiều phi vụ hợp tác kinh doanh, tư vấn môi giới, chuyển nhượng... kiểu lạ kỳ được ký kết ở Petroland

Nhiều phi vụ hợp tác kinh doanh, tư vấn môi giới, chuyển nhượng... kiểu lạ kỳ được ký kết gây bất lợi khiến Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) ở Q.7 (TP.HCM) đi từ thua lỗ này đến thua lỗ khác. Nếu kéo dài đến hết thời hạn hợp đồng, Petroland sẽ lỗ hàng trăm tỉ đồng!
Năm 2008, Petroland đầu tư 1.000 tỉ đồng xây dựng dự án Trung tâm thương mại tài chính dầu khí Phú Mỹ Hưng (tòa nhà Petroland Tower), tại 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM, quy mô 3 tầng hầm, 23 tầng văn phòng và thương mại, 7 tầng căn hộ (gồm 67 căn hộ). Sau khi tòa nhà đi vào hoạt động, lãnh đạo Petroland ký hàng loạt hợp đồng cho thuê, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng, dịch vụ quản lý với nhiều điều khoản bất lợi (thời hạn hợp đồng kéo dài từ năm 2012 - 2058), nếu thực hiện hết “đời” dự án tòa nhà sẽ thua lỗ hàng trăm tỉ đồng.
Hợp đồng hợp tác... "ôm" lỗ
...và tầng 23 của tòa nhà Petroland Tower
Cụ thể, ngày 15.10.2012, ông Bùi Minh Chính, Giám đốc Petroland (bên A) ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH A.S (bên B) ở Q.7 tại tầng 2 với diện tích 1.300 m2 để kinh doanh thương mại, dịch vụ và tại tầng 4 (diện tích 450 m2) mở cà phê, thời hạn hợp đồng đến hết ngày 19.9.2058. Theo thỏa thuận, diện tích tại tầng 2, bên B chỉ chia lợi nhuận 70 triệu đồng/tháng cho bên A, trong khi đó bên A phải lo tiền điện, tiền nước, phí dịch vụ; riêng diện tích tại tầng 4, B không thanh toán cho A bất cứ khoản phí nào (như phí mặt bằng, dịch vụ, phân chia lợi nhuận) mà chỉ đóng chi phí điện, nước sử dụng/tháng. Với hợp đồng kiểu “ưu ái” trên, từ năm 2012 - tháng 7.2018, Petroland lỗ hơn 13,8 tỉ đồng; nếu tính đến hết thời hạn hợp đồng thì lỗ hơn 107 tỉ đồng.
Tương tự, tháng 10.2017, ông Bùi Minh Chính còn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thương mại, dịch vụ với đối tác nói trên (bên B) tại tầng kỹ thuật và một phần tầng 23 của tòa nhà, tổng diện tích 357 m2 với điều kiện B trả 30,8 triệu đồng/tháng, hợp đồng đến hết tháng 12.2058. Tổng số tiền Petroland thu được từ ngày 29.9.2017 đến hết ngày 30.6.2018 là 252 triệu đồng, trong khi Petroland phải bỏ ra 597 triệu đồng chi phí cho quản lý, điện nước, khấu hao. Sau 9 tháng hợp tác này, tiền Petroland thu về không đủ bù đắp chi phí, bình quân lỗ hơn 38,3 triệu đồng/tháng. Nếu tính đến hết thời hạn hợp đồng thì Petroland lỗ hơn 19 tỉ đồng... “Thực tế, bên B sử dụng gần hết 357 m2 trên cho người khác thuê làm văn phòng, trong khi đó Petroland có chức năng cho thuê thì cần gì hợp tác như vậy? Điều đáng nói, hợp tác kinh doanh với thời hạn kéo dài hơn 40 năm chẳng khác nào bên A chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất cho bên B”, ông Đinh Việt Thanh, Ủy viên HĐQT Petroland, bức xúc. Đó là một trong hàng chục dự án hợp tác kinh doanh mà Petroland bị thua lỗ nặng.
Công ty người nhà lãnh đạo hưởng lợi
Ngoài việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh làm thua lỗ nói trên, Petroland còn "hào phóng" chi từ 10 - 12% số tiền cho bên tư vấn môi giới chuyển nhượng hàng ngàn mét vuông tại tòa nhà Petroland Tower. Trong khi đó, phí môi giới bất động sản (BĐS) ở thị trường VN chỉ dao động từ 2 - 3%/hợp đồng.
Khó hiểu hơn khi Petroland “đẻ” ra sàn giao dịch BĐS nhưng không để sàn BĐS của mình làm môi giới mà lại ký kết với người ngoài để họ hưởng nhiều tỉ đồng phí môi giới.
Tòa nhà Petroland nằm ở trung tâm khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) Ảnh: Nguyên Bảo
Ngày 6.3.2014, ông Trần Hữu Giang, Giám đốc sàn giao dịch BĐS của Petroland, có tờ trình cho ông Bùi Minh Chính, Giám đốc Petroland, đề xuất Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hạnh An (đường Phan Ngữ, P.Đa Kao, Q.1) làm tư vấn môi giới chuyển nhượng 1.066,7 m2 tầng 17 văn phòng thuộc tòa nhà Petroland Tower với giá 25 triệu đồng/m2 (bao gồm phí dịch vụ), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), phí bảo trì và các chi phí khác. Ngày 10.3.2014, ông Chính ký hợp đồng tư vấn, môi giới với Công ty Hạnh An, phí môi giới 10%/tổng giá trị chuyển nhượng. Sau đó, Công ty Hạnh An môi giới cho Petroland bán được với giá hơn 29,1 tỉ đồng. Công ty Hạnh An hưởng phí môi giới hơn 2,9 tỉ đồng. Ngày 22.7.2014, ông Giang lại đề xuất Petroland cho Công ty Hạnh An nhận môi giới chuyển nhượng văn phòng tại tầng 4 với diện tích 1.075 m2, giá 27 triệu đồng/m2 chưa bao gồm thuế VAT (đã bao gồm kinh phí bảo trì, chi phí sử dụng dịch vụ) thì cùng ngày ông Chính ký Hợp đồng số 02 chấp thuận. Công ty mua là Công ty CP dịch vụ vận chuyển quốc tế và thương mại Vân Minh Vân (Q.Tân Bình). Phi vụ này, Công ty Hạnh An hưởng hơn 3,75 tỉ đồng phí môi giới.
Chưa hết, cùng ngày 22.7.2014, ông Giang tiếp tục làm tờ trình cho Giám đốc Petroland xem xét chấp thuận cho Công ty Hạnh An giới thiệu Công ty TNHH kinh doanh tư vấn nguồn nhân lực, mua 800 m2 tại tầng 3, phí môi giới 12%. Ngày 18.10.2014, ông Chính ký Hợp đồng số 03 môi giới với Công ty Hạnh An. Đợt này, Công ty Hạnh An môi giới cho Công ty TNHH kinh doanh tư vấn nguồn nhân lực mua với giá gần 23,7 tỉ đồng, bỏ túi gần 2,85 tỉ đồng tiền môi giới.
Đáng chú ý, qua tìm hiểu, Công ty Hạnh An do ông L.T.Ph (ngụ Q.1) và bà T.T.H (ngụ Q.Bình Thạnh) góp vốn (mỗi người góp 3 tỉ đồng), trong đó bà T.T.H là em gái ruột của ông Giang. Ngoài việc sàn giao dịch BĐS của Petroland bị công ty người nhà của ông Giang “hớt tay trên”, khi ông Giang lên Phó giám đốc Petroland kiêm Ủy viên HĐQT của Petroland, ông còn đề xuất cho ông Chính ký bán một phần diện tích ở tầng 5 cho Công ty Hạnh An. Tuy nhiên, việc mua bán này không thông qua HĐQT Petroland, không công bố thông tin đúng theo quy định.
Từ những kiểu thao túng trong điều hành, hợp tác làm ăn, chuyển nhượng như thế khiến Petroland đang đối mặt với thiệt hại, tiềm ẩn lỗ thường xuyên từ khi tòa nhà đưa vào vận hành. “Với các hợp đồng đã ký kết liên quan đến tòa nhà Petroland, hiện Petroland lỗ thuần tính từ năm 2012 đến ngày 30.6.2018 là hơn 45,3 tỉ đồng và nếu tính đến hết thời hạn của hợp đồng (năm 2058) là hơn 455,7 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn, nếu không tập trung giải quyết dứt điểm sẽ để lại hậu quả rất lớn lâu dài cho Petroland cũng như Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Long (Giám đốc Petroland, đồng thời là người đại diện vốn của PVC tại Petroland) cảnh báo.
Lãnh đạo điều hành Petroland lúc thua lỗ
* Từ tháng 5.2009 - 2012, ông Bùi Minh Chính được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Petroland (là người đại diện vốn của PVC tại Petroland). Từ 2012 - tháng 6.2017, PVC thay đổi chức danh tổng giám đốc thành giám đốc, ông Chính trở thành Giám đốc Petroland. Từ tháng 6.2017 - 8.2018, ông Chính kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch HĐQT Petroland. Từ tháng 9.2018 đến nay, ông Chính là Chủ tịch HĐQT Petroland.
* Từ năm 2008 - 14.8.2012, ông Trần Hữu Giang được bổ nhiệm làm Giám đốc sàn giao dịch BĐS của Petroland. Từ 14.8.2012 - 25.4.2013, ông Giang được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Petroland. Từ 25.4.2013 - 27.4.2018, ông Giang làm Phó giám đốc kiêm nhiệm Ủy viên HĐQT Petroland. Do lúc bổ nhiệm phó giám đốc, ông Giang không phải là đảng viên và chưa được PVC có văn bản chấp thuận nên cuối tháng 4.2018, PVC đề nghị Petroland bố trí công tác khác đối với ông Giang cho phù hợp đảm bảo đúng quy định, nhưng sau đó ông làm đơn xin nghỉ việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.