Kiên quyết đấu tranh với băng nhóm xã hội đen

18/01/2015 05:13 GMT+7

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị các địa bàn giáp ranh với TP.HCM và thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vào sáng 17.1.

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị các địa bàn giáp ranh với TP.HCM và thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vào sáng 17.1.

 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nguyên Bảo

Tội phạm hoạt động liên tỉnh tăng

Theo báo cáo của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, năm 2014, trên địa bàn đã xảy ra 6.381 vụ phạm pháp hình sự, tăng 163 vụ (2,62 %) so với năm 2013; làm chết 98 người, bị thương 841 người, thiệt hại tài sản 112 tỉ đồng. Người phạm tội có xu hướng trẻ hơn, phần lớn trong độ tuổi thanh niên (trên 50% người trong độ tuổi từ 18 - 24). Các băng nhóm, người phạm tội và người thất nghiệp bị tha hóa từ các địa phương khác dịch chuyển vào TP cấu kết với băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động tập trung vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại quận trung tâm TP như vũ trường, quán bar, khách sạn; mở dịch vụ cầm đồ, hoạt động tín dụng đen, bảo vệ hoặc bảo kê các dịch vụ nhạy cảm, vận chuyển buôn bán hàng cấm và hàng giả... tại các quận, huyện có đông người nhập cư.

Tại hội nghị, trung tướng Triệu Quang Đạt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an ở phía nam, cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm công nghệ cao, cụ thể là vụ Công an Hà Nội phối hợp với Bộ Công an vừa triệt phá sàn vàng chui HGI lừa các nhà đầu tư 270 tỉ đồng. Ông Đạt cho biết cả nước có khoảng 30 sàn vàng chui thì TP.HCM có đến 10 sàn. Đáng chú ý, nhóm lừa đảo của sàn vàng chui HGI bước đầu khai nhận đã lấy 30 tỉ đồng đầu tư vào bất động sản, kinh doanh ngành nghề khác ở VN; số còn lại (240 tỉ đồng) đã chuyển ra nước ngoài.

Trong năm 2014 nổi lên tình hình tội phạm hoạt động liên tỉnh và tại các khu vực giáp ranh. Tại các khu vực giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, số dân nhập cư đến cư trú, làm ăn sinh sống hằng năm ngày càng tăng, trong đó không ít người là tội phạm hình sự, người nghiện ma túy trà trộn ẩn náu.

Tình hình tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (chủ yếu là xe gắn máy bị trộm, cướp) vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các loại xe gian được trao đổi giao dịch nhanh với những người tiêu thụ tại địa bàn Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân, Q.12 và H.Hóc Môn, sau đó tiếp tục được đầu nậu tại các tỉnh có khu vực biên giới cửa khẩu Long An, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang để đưa qua Campuchia hoặc làm giả giấy tờ tiêu thụ ở nội địa.

Tăng cường tuần tra kiểm soát sau 23 giờ

Trước tình hình này, Công an TP.HCM đã tăng cường lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, CSGT vũ trang tuần tra kiểm soát công khai, mật phục sau 23 giờ trên các tuyến đường trọng điểm; phối hợp với các lực lượng hải quan, thuế, quân đội, quản lý thị trường của TP.HCM và các tỉnh bạn ngăn chặn buôn lậu, hàng giả...

Ngoài ra, Công an TP.HCM phối hợp với công an, cơ quan chức năng của các tỉnh giáp ranh như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đồng loạt ra quân tuần tra kiểm soát, chốt chặn để kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện quá khổ, quá tải, chở quá số người quy định, xe chở gia cầm chưa qua kiểm dịch, xe “dù”, cò và cưỡng đoạt tài sản của hành khách...

Sau khi nghe báo cáo kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn TP.HCM năm 2014, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND; đặc biệt Công an TP.HCM. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta chủ động tiếp nhận phân loại xử lý vụ việc đảm bảo nhanh chóng hiệu quả, đồng thời chia sẻ thông tin với các đơn vị địa bàn giáp ranh. Đặc biệt kết hợp với lực lượng công an, quân đội, hải quan, quản lý thị trường, thuế, thanh tra chuyên ngành để tạo sức mạnh tổng hợp phòng ngừa, trấn áp tội phạm. Các tỉnh giáp ranh với TP.HCM lên kế hoạch phối hợp cụ thể, chia sẻ thông tin làm sao không để tội phạm địa bàn này chạy qua địa bàn khác khi bị truy quét. Tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra kiểm soát công khai, mật phục...”.

Xử lý kịp thời, hiệu quả đơn thư khiếu nại của người dân

Ngày 17.1, tại TP.HCM, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo, giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài trên địa bàn các tỉnh phía nam. Đây là những vụ việc có nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai, đã kéo dài từ nhiều năm nay mà vẫn chưa được các địa phương giải quyết triệt để. Cụ thể là các vụ khiếu nại của ông Trần Văn Thức, ngụ tại xã Hưng Thuận, H.Trảng Bàng, Tây Ninh; khiếu nại của ông Nguyễn Thu Răng, trú tại xã Tân Mỹ, H.Đức Hòa, Long An.

Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ cùng đại diện địa phương báo cáo quá trình kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc nêu trên, Phó thủ tướng đã phân tích những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng kéo dài các vụ việc; đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc theo hướng có tình, có lý.

Các đơn vị, địa phương trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại cần tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân; tập trung xem xét hoàn cảnh gia đình của các bên liên quan để có hướng giải quyết hiệu quả. Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công, cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp theo quy định.        

                TTXVN

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.