Kiến nghị mở rộng người được quyền tham gia tố tụng vụ án hành chính

Phan Thương
Phan Thương
13/08/2019 08:50 GMT+7

Chiều 12.8, đoàn công tác Bộ Tư pháp có buổi làm việc với UBND TP.HCM cùng các cơ quan liên quan về công tác thi hành án hành chính trên địa bàn TP.

Theo số liệu của TAND TP, từ năm 2016 - 30.6.2019, tòa đã thụ lý khoảng 1.000 vụ án hành chính. Qua đó, đã tuyên hủy một phần 23 quyết định hành chính, hành vi hành chính và tuyên hủy toàn bộ 71 quyết định hành chính, hành vi hành chính có sai phạm.
Về công tác thi hành án hành chính, từ ngày 1.7.2016 - 31.5.2019 còn 58 vụ việc chưa thi hành xong, đang tiếp tục tổ chức thi hành án.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện UBND TP nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia tố tụng vụ án hành chính. Theo UBND TP, khoản 3, điều 60 luật Tố tụng hành chính quy định, người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện; người đại diện ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ 3.
Về quy định này, phía UBND TP cho rằng, với số lượng vụ án hành chính đang được tòa án thụ lý, xét xử cho thấy thủ trưởng cơ quan hành chính trên địa bàn TP đang chịu áp lực rất lớn về việc tham gia tố tụng hành chính. Đồng thời, với mức độ công việc tại TP, chủ tịch UBND quận, huyện lẫn TP không thể trực tiếp tham gia tất cả các giai đoạn của các vụ án hành chính.
Ngoài ra, theo UBND TP, dù cố gắng sắp xếp thời gian nhưng do bị động trong việc lên kế hoạch tham gia tố tụng, vì vậy phía bị kiện là UBND TP thường vắng mặt. Dù người bị kiện vắng mặt thường xuyên và được luật Tố tụng hành chính cho phép nhưng lại gây tâm lý tiêu cực cho người khởi kiện; về lâu dài có thể bị những kẻ cơ hội, lợi dụng, kích động ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị.
Do vậy, việc quy định và bắt buộc người bị kiện phải trực tiếp tham gia tố tụng, chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp của mình mà không được ủy quyền cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu xử lý vụ việc để tham gia tố tụng là không phù hợp với thực tiễn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.