Kiến nghị đưa nghề xoa bóp của người mù vào danh mục nghề đào tạo

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
24/11/2020 13:59 GMT+7

Doanh thu trong 5 năm qua tại 2 cơ sở dịch vụ xoa bóp do Hội người mù TP.HCM quản lý đạt hơn 9 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho 35 kỹ thuật viên.

Sáng 24.11, tại TP.HCM diễn ra Đại hội đại biểu Hội người mù TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tham dự đại hội có ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM; ông Trần Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, và các hội viên hội người mù ở tỉnh Gia Lai, Cần Thơ...

Cần ưu tiên phát triển nghề xoa bóp của người mù

Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ VIII (2015 - 2020) và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ IX (2020 - 2025) của Ban Chấp hành Hội người mù TP.HCM cho biết nhiệm kỳ qua, Hội đã kết nạp thêm 342 hội viên, nâng tổng số hội viên của Hội lên 1.442 người.

Đại hội đại biểu Hội người mù TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Về chính sách an sinh xã hội cho người mù, Hội người mù TP.HCM đã có sự hỗ trợ lớn trong việc tác động, được UBND TP.HCM chấp thuận việc khám giám định lại mức độ khuyết tật cho tất cả người mù hai mắt, làm cơ sở cấp lại giấy chứng nhận khuyết tật, giúp họ được hưởng trợ cấp diện người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định (760.000 đồng/người). 
Về công tác lao động, việc làm của người mù, báo cáo cho biết những năm qua, Hội tiếp tục triển khai chương trình vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số vốn do Hội quản lý hơn 1 tỉ đồng; triển khai giải ngân nguồn vốn hơn 4,9 tỉ đồng cho tổng số 499 lượt hội viên được vay; tiếp tục củng cố 2 cơ sở dịch vụ xoa bóp do Hội quản lý với tổng doanh thu 5 năm qua hơn 9 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đình Kiên, Chủ tịch Hội người mù TP.HCM, cho biết cần phải ưu tiên phát triển nghề xoa bóp, massage vì nó rất phù hợp với người mù. Hiện nay, trên cả nước có gần 300 cơ sở xoa bóp của người mù. Tại TP.HCM, có 17 cơ sở dịch vụ xoa bóp do hội viên tự tổ chức, giải quyết việc làm cho 90 hội viên người mù.
Thu nhập bình quân của kỹ thuật viên hiện nay hơn 2,8 triệu/đồng/tháng/người. Ngoài nghề xoa bóp, người mù còn tham gia vào công việc khác như kết cườm, bện chổi, làm tăm, nhang...

Kiến nghị miễn thuế đối với dịch vụ xoa bóp của người mù

Hội người mù TP.HCM kiến nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM giúp tham mưu UBND TP.HCM đưa nghề xoa bóp của người mù vào danh mục đào tạo nghề cho người khuyết tật thành phố để người mù có cơ hội học nghề bằng kinh phí dạy nghề của Nhà nước; tạo điều kiện đăng ký kinh doanh cũng như miễn thuế thu nhập, thuế tiêu thục đặc biệt với các cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp của người mù.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết toàn TP.HCM có hơn 2.000 người mù, trong đó hơn 75% người mù là hội viên của Hội người mù TP.HCM. Ông Tấn kiến nghị tiếp tục xây dựng chi hội người mù ở 3 quận, huyện còn lại (H.Bình Chánh, H.Cần Giờ, Q.2); phát triển hội viên của Hội người mù TP.HCM trên 80%; đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, hỗ trợ vốn cho hội viên để thoát hộ nghèo, cận nghèo của thành phố; đảm bảo quyền con người, giúp người mù vươn lên.
Đại hội cũng đã báo cáo kết quả hiệp thương Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban kiểm tra, thường trực các chức danh nhiệm kỳ IX (2020 - 2025). Theo đó, ông Nguyễn Đình Kiên và ông Nguyễn Đức Toản được tái đắc cử lần lượt vào chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội người mù TP.HCM nhiệm kỳ IX (2020-2025).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.