Kiến nghị cho phép tăng giá nước sinh hoạt tại Đà Nẵng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
05/07/2020 21:49 GMT+7

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết, hiện mức giá 1 m 3 nước được bán ra với giá thấp nên đề nghị cho phép tăng giá nước sinh hoạt để có nguồn lực tái đầu tư.

Chiều 5.7, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội về an ninh nguồn nước, ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) kiến nghị, cho phép đơn vị tăng giá bán nước sinh hoạt để có nguồn lực tái đầu tư.
Theo ông Hương, hiện giá nước sinh hoạt của TP chỉ bình quân 6.100 đồng/m3. So với các TP trực thuộc Trung ương mức giá này là rất thấp. Giá thành để sản xuất 1 m3 nước đã trên 5.000 đồng, chưa kể chi phí vận hành, phân phối.
“Do đó, công ty đề nghị nâng giá nước để có điều kiện, nguồn lực đầu tư, cải tạo sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị…”, ông Hồ Hương nói.
Báo cáo thêm với đoàn công tác, lãnh đạo Dawaco cho hay, do tình trạng nhiễm mặn nước sông Cầu Đỏ diễn ra gay gắt nên nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cho TP gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục, Dawaco đã đắp 2 đập tạm ngăn mặn nhằm bảo đảo nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Hiện nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho Đà Nẵng vẫn đảm bảo.
“Để đảm bảo cấp nước an toàn định hướng đến năm 2045 thì phương án xây dựng đập cần phải được nghiên cứu, tính toán để cấp nước lâu dài”, ông Hương nêu thêm kiến nghị.

Đà Nẵng đang đối mặt với việc thiếu nghiêm trọng nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt

Ảnh: Hoàng Sơn

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu giá nước sinh hoạt quá thấp không đủ điều kiện vận hành, không đủ nguồn lực tái tạo, duy tu, bảo dưỡng… thì không thể phát triển.
“Về mức giá, chúng tôi sẽ tiếp tục có sự chỉ đạo phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thêm nhưng phải có giá hợp lý. Chúng ta phải có lộ trình phù hợp với sự phát triển của TP trong tương lai”, ông Hiển nói và cho rằng: “TP phải tính tới khả năng thu nhập của người dân, quá trình phát triển để có giá hợp lý nhưng ít nhất phải đáp ứng được lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, tạo tích lũy…”.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, theo xu hướng phát triển của TP, nguồn nước đảm bảo ổn định phải trên 400.000 m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2045 phải đến 800.000 m3/ngày đêm, gấp 2,5 lần so với hiện nay.
Tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ đã diễn ra 2 - 3 năm qua. Hiện TP đã làm đập tạm phục vụ trước mắt, còn đập ngăn mặn An Trạch đã lạc hậu.
Việc cung cấp nước thô mang tính chất cấp bách của TP. Để đảm bảo cung cấp 800.000 m3 nước sinh hoạt/ngày đêm theo định hướng thì các đập phải được triển khai kịp thời...”, Phó chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Kiến nghị không xây thêm thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn

UBND TP.Đà Nẵng kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thành lập tổ chức quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lưu vực sông, đảm bảo mang tính thống nhất trên toàn lưu vực.

Đáng chú ý, UBND TP kiến nghị, cần đánh giá lại toàn diện các mặt tích cực và tiêu cực của việc hình thành các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Đặc biệt, cần xem xét, đánh giá các thiệt hại về môi trường, sinh thái, thiếu nước, xâm nhập mặn ở vùng hạ du do hoạt động của các nhà máy thủy điện khu vực thượng nguồn lưu vực sông.

“Xem xét không cấp phép mới xây dựng các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”, UBND TP.Đà Nẵng đề xuất. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.