Phòng chống âm mưu phá hoại bầu cử

20/05/2016 17:10 GMT+7

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử.

Chiều 20.5, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp báo thông tin về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, diễn ra vào ngày 22.5.
Báo cáo cập nhật tình hình chuẩn bị cho công tác bầu cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, tổng số tổ bầu cử trong cả nước đến thời điểm hiện nay là 91.476 tổ, với 69.265.810 cử tri. Việc cấp phát thẻ cử tri cũng đã được các tổ bầu cử tiến hành xong.
Theo ông Phúc, bước vào giai đoạn này, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho bầu cử được hết sức chú trọng, đặc biệt là càng gần đến ngày bầu cử.
Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, các cơ quan được giao nhiệm vụ đã triển khai lực lượng nắm địa bàn, theo sát tình hình ở địa phương, chủ động rà soát, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh; đồng thời, đã thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử.
Về tình hình tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm, ông Phúc thông tin: theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh này bỏ phiếu sớm.
Tính đến ngày 20.5, trên cả nước đã có một số khu vực bỏ phiếu thuộc các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hoà, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An và Đắk Lắk tổ chức bỏ phiếu bầu cử trước ngày bầu cử đã được ấn định.
Bầu hộ, bầu thay là vi phạm
Trả lời câu hỏi của phóng viên về xử lý việc bầu hộ, bầu thay, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là hành vi không được pháp luật cho phép, tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý thích hợp. Ông Phúc nhấn mạnh cần tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức rõ về trách nhiệm của công dân về việc đi bầu cử, tránh việc bầu hộ bầu thay.
Trước câu hỏi phóng viên đặt ra về sự chênh lệch khá lớn tại một đơn vị bầu cử ở Yên Bái, nơi có 3 ứng viên là nông dân trong khi hai ứng viên còn lại là một Ủy viên Bộ Chính trị và một Tỉnh ủy viên, ông Trần Văn Tuý, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, do Quốc hội phải tính đến yếu tố cơ cấu thành phần, giới, dân tộc... nên không thể có sự đòi hòi các ứng viên có trình độ ngang nhau.
Theo ông Túy, điều quan trọng nhất là sự tín nhiệm của cử tri đối với những người ứng cử, việc lựa chọn ứng viên là quyền của các cử tri.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.