Kiểm tra lại dự án rút lõi rừng phòng hộ để khai thác

30/05/2010 01:50 GMT+7

Trao đổi qua điện thoại với Thanh Niên chiều 29.5, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Lương Ngọc Bính nói: “Tôi đang dự họp Quốc hội, tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra lại dự án này. Chuyện này Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy có nghe một phiên rồi, trên cơ sở đó chúng tôi yêu cầu đánh giá tác động môi trường cho kỹ, xem xét lại các vấn đề liên quan cho thấu đáo, phải tính toán cho thận trọng, vừa bảo vệ rừng vừa chống xói lở”.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Tuyên Hóa và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho rằng: thực tế đã có một vài dự án tương tự triển khai nhưng nguồn thu chẳng đáng bao nhiêu, trong khi đó tác hại thì rất lớn. Riêng dự án khai thác vàng này, nguồn thu cho ngân sách sẽ không lớn so với tác hại gây ra chomôi trường.

Theo điều 20, chương VIII, Nghị định số 160 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản nêu rõ: Rừng phòng hộ là một trong những khu vực cấm hoạt động khoáng sản.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thuấn - Cục trưởng Cục Địa chất - Khoáng sản VN (Bộ Tài nguyên - Môi trường) - cho biết sẽ cho kiểm tra kỹ lại toàn bộ quá trình cấp phép cho doanh nghiệp khai thác vàng tại 2 tiểu khu lõi rừng phòng hộ tại Khe Nang (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình). Theo đó, sẽ xem xét kỹ, khu vực cấp phép có nằm ngoài quy hoạch quốc gia đã được cơ quan địa chất kết luận là mỏ nhỏ, không có giá trị công nghiệp hay không. Bên cạnh đó, rừng phòng hộ là khu vực cấm hoạt động khoáng sản nhưng trên thực tế, có những trường hợp sau khi có ý kiến đồng ý của các cơ quan hữu trách, diện tích rừng phòng hộ sẽ được chuyển thành rừng sản xuất và khi đó trở thành khu vực có thể hoạt động khoáng sản. Theo ông Thuấn, các bộ ngành liên quan có trách nhiệm làm rõ việc chuyển rừng phòng hộ thành rừng sản xuất có ổn không, dựa trên những cơ sở nào. Chỉ khi có sự đồng thuận của các bên liên quan mới có thể ký quyết định chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất.

TS Nguyễn Đình Hòe - giảng viên khoa Môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, rừng đầu nguồn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường, cung cấp nước cho hạ lưu và giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Theo quy định, dự án có khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn sóng, rừng đặc dụng từ 5 ha trở lên thì phải có đánh giá tác động môi trường. Do vậy, liên quan đến việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác vàng ở Khe Nang, TS Hòe cho biết, cần phải xem xét lại báo cáo tác động môi trường và quá trình thẩm duyệt báo cáo này của địa phương có được thực hiện một cách nghiêm túc, xác đáng hay không.

Trương Quang Nam - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.