Kiểm tra gắt gao chợ truyền thống trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

Nhật Linh
Nhật Linh
08/01/2020 21:04 GMT+7

Chợ truyền thống nhìn bề ngoài không đẹp, không giàu nhưng là nơi gắn bó tình nghĩa lâu năm của bạn hàng với tiểu thương.

Trong hai ngày 7 và 8.1, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM tổ chức đợt kiểm tra vệ sinh ATTP dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại các chợ đầu mối, kho đông lạnh, trong đó, tăng cường kiểm tra tại các chợ truyền thống.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, chợ truyền thống nhìn bề ngoài không đẹp, không giàu nhưng là nơi gắn bó tình nghĩa lâu năm của bạn hàng với tiểu thương, là nơi tiêu thụ lượng lớn hàng hóa của TP. “Điều đáng mừng là điều kiện vệ sinh tại các chợ truyền thống đã được cải thiện rất nhiều”, bà Lan nhận định trong buổi kiểm tra tại chợ Xóm Chiếu (Q.4) vào sáng ngày 8.1.
Nằm trong đề án thí điểm chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ Xóm Chiếu, chợ truyền thống duy nhất trên địa bàn Q.4, đều thông qua các bài kiểm tra nhanh của Ban Quản lý ATTP. Các mẫu thử tại các quầy giò chả, bún đều cho kết quả âm tính với các bài kiểm tra hàn the và phoóc môn.
Trong quá trình kiểm tra tại các chợ, bên cạnh kiến thức về ATTP của tiểu thương, điều kiện cơ sở vật chất thì nguồn gốc thực phẩm đặc biệt được quan tâm. Theo bà Lan, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa tại các siêu thị được quản lý và kiểm tra dễ dàng theo hệ thống. Trong khi ở các chợ truyền thống, việc kiểm tra xuất xứ chủ yếu dựa vào các hóa đơn chứng từ và phần lớn dựa vào ý thức của tiểu thương.
“Nhiều chợ truyền thống có lịch sử hàng chục năm và các quầy hàng thuộc sở hữu của các tiểu thương nên khi có vi phạm không thể nói đuổi là đuổi được. Chính vì vậy, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, Ban cũng tổ chức đột xuất lấy mẫu kiểm nghiệm để phát hiện những chất độc hại và đồng thời tránh sự trà trộn của hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu”, bà Lan cho biết thêm.
Theo thống kê của Ban Quản lý ATTP TP.HCM, trong năm 2019, số mẫu kiểm nghiệm được Ban tiến hành lấy mẫu kiểm tra nhiều gấp đôi so với năm 2018. Giai đoạn 2016-2019, số mẫu được kiểm nghiệm trong quá trình kiểm tra đột xuất nhiều gấp 3 lần so với giai đoạn 2013-2016. Mức xử phạt trung bình tại TP.HCM trong năm 2019 cũng được thống kê lên đến 14 triệu đồng cho một vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.