Kiểm toán nghi ngờ TP.HCM 'hợp thức hoá' sai phạm trong quy hoạch KCN, KCX

Chí Hiếu
Chí Hiếu
23/04/2019 19:15 GMT+7

Theo Kiểm toán, một số quyết định chấp thuận điều chỉnh quy hoạch phân khu được UBND TP.HCM ban hành sau khi các chủ đầu tư tại một số KCN thực hiện, cho thấy tính chất hợp thức hóa sai phạm trong tuân thủ quy hoạch.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nghi ngờ một số quyết định chấp thuận điều chỉnh lại quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 được U BND TP.HCM ban hành sau khi các chủ đầu tư tại một số KCN thực hiện, có tính chất hợp thức hóa các sai phạm trong tuân thủ quy hoạch.
Đoàn Kiểm toán nhà nước khu vực IV vừa hoàn tất thực hiện kiểm toán chuyên đề việc ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn TP.HCM và phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót cần phải khắc phục.
Ban hành quyết định để hợp thức sai phạm?
Qua kiểm toán cho thấy, quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước về quy hoạch, quản lý đầu tư còn một số tồn tại như: UBND TP ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khi chưa tiến hành lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt; ban hành các quyết định chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 của 14 KCN theo hướng tăng 164,55 ha diện tích đất công nghiệp; giảm diện tích đất cây xanh, giao thông, trung tâm công cộng, khu xử lý kỹ thuật.
Đáng chú ý, theo Kiểm toán, một số quyết định chấp thuận điều chỉnh lại quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 được ban hành sau khi các chủ đầu tư tại một số KCN thực hiện, có tính chất hợp thức hóa các sai phạm trong tuân thủ quy hoạch; quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền quy định tại Nghị số 16 năm 2005 của Chính phủ và vi phạm quy hoạch đã được Thủ tướng và Bộ Xây dựng phê duyệt…
Quy hoạch chi tiết sử dụng đất của KCX Linh Trung 1, 2 chưa đảm bảo đúng tỷ lệ loại đất, cơ cấu đất công cộng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng tại Quyết định của Bộ Xây dựng và các văn bản có liên quan của UBND TP.HCM.
Đến nay, UBND TP đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch diện tích theo thực tế thành lập và theo các quyết định duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 của 6 KCN. So với diện tích được phê duyệt danh mục quy hoạch KCN của TP.HCM tại Công văn 1300/TTg-KTN của Thủ tướng, tổng diện tích đất KCN, KCX của TP.HCM giảm 150,06 ha.
Việc điều chỉnh quy hoạch đó ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2010 có tính đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt; việc điều chỉnh khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vi phạm quy định tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc điều chỉnh diện tích KCN... 
Trong quản lý đầu tư, kết quả kiểm toán cho thấy, một số trường hợp doanh nghiệp hoạt động ngành nghề ô nhiễm môi trường, lĩnh vực ngành nghề không phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào KCN. Các trường hợp vi phạm tại KCN Cát Lái chưa được Ban Quản lý các KCN, KCX kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, mà trình UBND thành phố và được UBND thành phố phê duyệt chấp thuận hoạt động trong KCN, nhằm hợp thực hóa các lĩnh vực ngành nghề hoạt động trong KCN. Nhiều trường hợp đã ký hợp đồng thuê đất nhưng nhà đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện dự án, chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ sử dụng đất đã cam kết...

Kiến nghị xử lý tài chính gần 1.639 tỉ đồng

Kiểm toán cũng phát hiện nhiều hạn chế trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN.

Theo đó, kiểm toán việc tuân thủ quy định pháp luật về miễn, giảm và xác định tiền thuê đất phải nộp NSNN cho thấy, việc xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản phải nộp khác còn chưa đúng quy định. Việc chưa có cơ chế quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Quản lý KCN, KCX trong việc thu, quản lý, sử dụng phí tiện ích công cộng, phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cũng như tài sản hình thành từ nguồn phí này, dẫn đến việc thu phí tiện ích công cộng không đồng bộ, thống nhất giữa các KCN.

Các doanh nghiệp (DN) quản lý nguồn phí tiện ích công cộng, phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đang do các DN đầu tư hạ tầng thành lập, kinh doanh, trong khi nguồn hình thành tài sản thuộc đối tượng phải xác lập tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế xử lý phù hợp nên dẫn đến việc Ban Quản lý KCN, KCX không quản lý, theo dõi thu chi tồn quỹ và không thống kê được tài sản hình thành từ nguồn phí các DN này...

Trên cơ sở kết quả kiểm toán được phát hiện, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính, thu vào NSNN là gần 1.639 tỉ đồng, gồm: các khoản thuế phải nộp hơn 149 tỉ đồng, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất hơn 1.486 tỉ đồng và Khoản tiền chậm nộp (tính trên số tiền thuê đất chưa nộp đến ngày 31.12.2016) phải tính từ ngày 1.1.2017 đến thời điểm DN đã nộp tiền (đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp theo thông báo của cơ quan thuế), và tính đến thời điểm kết thúc kiểm toán (đối với trường hợp DNchưa kê khai chưa nộp) gần 3,5 tỉ đồng.

KTNN cũng đề nghị UBND TP và các đơn vị có liên quan chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác tuân thủ quy hoạch, quản lý đầu tư và quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư, thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng rà soát, kiểm tra, xác định lại để xử lý theo quy định đối với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản phải nộp khác trên cơ sở số liệu KTNN xác định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.