Kiểm soát nhà thầu phụ ở cao tốc Bắc - Nam

Mai Hà
Mai Hà
27/09/2020 05:54 GMT+7

Ngày 30.9 tới đây, 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công gồm Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết sẽ đồng loạt khởi công.

Xây dựng đề án thu phí

Tại buổi họp báo về tình hình thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam sáng qua 26.9, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện các bước mở hồ sơ chọn nhà thầu thi công 3 dự án trên đã cơ bản hoàn thành. Trước mắt, mỗi dự án sẽ khởi công 1 gói thầu xây lắp trước, các gói thầu còn lại (còn 10 gói thầu) sẽ phấn đấu để khởi công vào trung tuần tháng 10.
Với 5 đoạn cao tốc Bắc - Nam PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công tư), dự kiến từ ngày 2 - 5.10 tới sẽ tiến hành chấm thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình chấm thầu kéo dài 2 - 3 tháng. Sau khi ký hợp đồng, nhà đầu tư có 6 tháng để thực hiện các cam kết thành hợp đồng. Mục tiêu các tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2021, riêng cầu Mỹ Thuận hoàn thành vào năm 2023.
Trả lời câu hỏi về vấn đề thu phí, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP, cho biết tại Nghị quyết 52/2017, Quốc hội đã nêu rõ với giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP được xác định theo nguyên tắc mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Với dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ nghiên cứu các phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn cho nhà nước.
“Trong hồ sơ mời thầu các dự án PPP, chúng tôi đã cố định mức giá thu phí ở từng thời điểm, khởi đầu và từng giai đoạn. Với 6 dự án sử dụng vốn đầu tư công, Bộ GTVT đang phối hợp Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí để hoàn vốn cho nhà nước. Hiện đang khẩn trương hoàn thiện đề án trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua để bổ sung vào trong danh mục phí và lệ phí với các dự án đầu tư bằng ngân sách”, ông Thành nói.
Trước lo ngại “phí chồng phí” khi thu phí với cao tốc làm bằng ngân sách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết nhiều quan điểm và mô hình các nước cũng khác nhau. Song cao tốc là đường có tính thương mại cao, an toàn, cạnh tranh hơn, nên người sử dụng phải trả tiền, còn không bỏ tiền thì có thể đi đường khác như QL1. Hiện dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã bổ sung đường cao tốc sẽ thu phí.
Về việc 5 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP có khả năng bể tiến độ do nhà đầu tư khó vay vốn tín dụng hay không, ông Đông cho biết Bộ GTVT đã lường hết các khó khăn của dự án. Cao tốc Bắc - Nam chủ trương lớn là thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư, qua sàng lọc sơ tuyển có những dự án không có nhà đầu tư vượt sơ tuyển như Vĩnh Hảo - Phan Thiết nên đã phải chuyển sang đầu tư công. Trường hợp không có nhà đầu tư (kể cả ký hợp đồng mà không huy động được vốn) thì sẽ có phương án khác, là có thể đầu tư công hoặc đấu thầu lại.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, nhiều ngân hàng hiện không mặn mà với việc cho vay để làm các dự án giao thông, nên việc nhà đầu tư vay vốn ngân hàng sẽ rất khó khăn.

Khống chế số lượng thầu phụ

Về hình thức xử phạt với các nhà thầu chậm tiến độ, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, cho hay theo hồ sơ mời thầu, mỗi ngày chậm tiến độ nhà thầu sẽ bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng, tổng giá trị phạt tối đa 12% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, quy định lần 1 là nhắc nhở, lần 2 là khiển trách và xem xét điều chuyển khối lượng trong liên danh, lần 3 có thể chấm dứt hợp đồng và phạt.
Rút kinh nghiệm việc một số dự án có quá nhiều thầu phụ, đặc biệt là 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đã triển khai xây dựng (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), trong hồ sơ mời thầu 3 dự án sắp khởi công đã quy định rất rõ nhằm khống chế số lượng nhà thầu tham gia.
“Hồ sơ nêu rõ trong liên danh không quá 3 thành viên, nhà thầu đứng đầu phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên còn lại phải thực hiện khối lượng công việc không thấp hơn 25% giá trị gói thầu. Với nhà thầu phụ xây lắp, tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng... Những quy định như vậy để khống chế khối lượng, kiểm soát số lượng nhà thầu phụ”, ông Lâm cho biết.

Tham khảo ý kiến Bộ Công an về nhà thầu

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, trong quá trình chấm thầu đều điện hỏi Bộ Công an để lấy thông tin các nhà thầu, đảm bảo các nhà thầu không có vi phạm bị khởi tố.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước vào giám sát quá trình thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo ông Đông, việc phối hợp này nhằm đảm bảo thực hiện dự án hiệu quả, chất lượng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.