Kiểm soát dịch mới phát triển được kinh tế

Chí Hiếu
Chí Hiếu
31/07/2021 07:08 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trên phạm vi cả nước trong lúc này, cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội.

Hôm qua (30.7), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ban hành mới đây.

Biện pháp chống dịch không được chập chờn, nửa vời

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19 theo Nghị quyết của Quốc hội (QH) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trình bày giao quyền chủ động cho các địa phương áp dụng hoặc áp dụng linh hoạt các Chỉ thị 15, 16 tùy tình hình thực tế. Đồng thời, có các giải pháp chấn chỉnh để thực hiện nghiêm quy định của các chỉ thị này, khắc phục các hạn chế như tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Về công tác y tế, dự thảo nghị quyết giao Bộ Y tế hướng dẫn với thời hạn nhất định để áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành. Bên cạnh đó, một nội dung khác được dự thảo nghị quyết đề cập là nhiệm vụ đón người dân trở về từ các vùng dịch.
Góp ý kiến tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm, tránh bài học thực tế gần đây một số địa phương có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái, trong khi Bộ Y tế đã hướng dẫn xét nghiệm nhanh cũng có thể làm mẫu gộp, tiết kiệm được chi phí và nguồn lực.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để đối phó dịch bệnh và đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực, công tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương miền Trung. Thủ tướng cũng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác chống dịch thời gian qua mà lớn nhất là khâu tổ chức thực hiện. Do đó, chính quyền các cấp phải ban hành biện pháp nhất quán, thực hiện nghiêm ngặt, không chập chờn, không nửa vời.

Sáng 31.7: Cả nước thêm 4.060 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.503 bệnh nhân

TP.HCM cần tăng bệnh viện hồi sức cấp cứu

Thủ tướng cho rằng trên phạm vi cả nước trong lúc này, cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội. Cùng với đó, bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất. Một mục tiêu quan trọng khác được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội. Theo Thủ tướng, phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác...
Khi thực hiện cách ly, giãn cách, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.

Sáng 31.7: TP.HCM thêm 2.503 ca Covid-19 sau 12 giờ

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống.
Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-19 cộng đồng, người cao tuổi còn có những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất. Ông yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc xin và thời gian. Rút gọn các thủ tục về hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vắc xin trong nước. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng, chống dịch. Tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở. Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.