Khuyến cáo, kiểm soát từ đầu vụ để tránh 'giải cứu' nông sản

03/03/2021 05:21 GMT+7

Nhiều loại nông sản trồng theo thời vụ chưa có chế biến nên từ hợp tác xã, địa phương phải có giải pháp kiểm soát, khuyến cáo từ đầu vụ sản xuất để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc kêu gọi người tiêu dùng 'giải cứu '.

Mong được hỗ trợ bảo quản, chế biến

Theo ông Đàm Văn Đua, Chủ nhiệm HTX Đông Cao (xã Tráng Việt, H.Mê Linh, Hà Nội), năm 2018, vựa trồng củ cải lớn nhất tại Hà Nội này từng kêu gọi “giải cứu”. Khi ấy, HTX Đông Cao đặt vấn đề về bảo quản, chế biến và kiến nghị hỗ trợ nhưng đến nay vẫn không có gì cải thiện. HTX Đông Cao rất muốn được các nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo quản tăng lên 3 - 5 ngày thay vì chỉ có 2 - 3 ngày như hiện nay để tăng lượng hàng vào siêu thị. Còn chế biến, đến nay chỉ có 2 doanh nghiệp nhỏ tham gia nhưng chi phí quá cao. 30 kg củ tươi thì mới sấy được 1 kg khô. Doanh nghiệp chỉ sấy được khi giá củ cải dưới 3.000 đồng/kg nên lượng chế biến không nhiều.

Giá rau "rẻ như cho", nông dân chán nản đành vứt cho bò ăn

Ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức (H.Gia Lâm, Hà Nội), cho rằng nhóm “giải cứu” là rau trồng vụ đông, nhiều nhất là su hào, bắp cải, cải thảo. Khó nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất, cơ cấu hợp lý các loại rau theo nhu cầu thị trường. Địa phương có quy hoạch riêng và định hướng trồng hơn 20 loại rau. Nhưng nông dân trồng nhiều nhất là su hào, bắp cải, cải thảo, cải ngọt chiếm đến 60 - 70% sản lượng trong khi nhiều loại rau khác giá bán vẫn cao, không cần “giải cứu”.
“Chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, còn đất đã giao, nông dân trồng loại gì thì không thể can thiệp được. Thực tế, nhiều hộ chỉ chuyên canh trồng một loại rau, đơn giản là theo thế mạnh và kinh nghiệm của họ mà thôi. Để cơ cấu lại, chính quyền địa phương phải vào cuộc, tìm cách kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất, liên kết chế biến thì mới mong có đầu ra ổn định được”, ông Tuất nói.

Nông dân “buồn muốn khóc” nhìn hàng triệu con gà đồi Chí Linh ế ẩm vì Covid-19

Chủ động nắm nhu cầu thị trường để điều tiết

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng tình trạng ế thừa xảy ra với diện tích trồng rau vụ đông, đây là những loại rau chưa có nhà máy chế biến. Riêng củ cải thì có định hướng chế biến thành sản phẩm sấy dẻo, khô. Để chế biến được thì sản xuất gắn với vùng nguyên liệu phải sản xuất quanh năm nhưng các loại rau đang phải giải cứu hiện nay là trồng theo mùa vụ. Để tránh lặp lại tình trạng này, chính quyền địa phương phải chủ động điều tiết, rà soát về diện tích cũng như bám sát nhu cầu thị trường, thậm chí có thể điều chỉnh chuyển đổi mùa vụ cơ cấu cây trồng khi cung vượt quá cầu. Đối với rau quả, Sở NN-PTNT và Sở Công thương có thể hỗ trợ chính quyền địa phương, người sản xuất giải pháp sơ chế, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật bảo quản để kéo dài ngày tiêu thụ, tránh dồn ứ trong một thời điểm.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng trong quy hoạch mới hiện nay không có quy hoạch cụ thể cho từng sản phẩm. Các sản phẩm đều nằm trong quy hoạch chung của tỉnh. Ở cấp vĩ mô, Cục Trồng trọt không thể làm quy hoạch chi tiết cho từng địa phương. Dẫn chứng ở cây tiêu quy hoạch đến 2020 là 50.000 ha nhưng thực tế năm 2018, diện tích tiêu đã xấp xỉ 120.000 ha nên dù có quy hoạch nhưng người dân không tuân theo thì không có cơ chế nào bắt buộc.
Cũng theo ông Cường, hiện nay, ở các địa phương đều đã hình các thành vùng chuyên canh trồng rau, cụ thể đến từng loại, thương lái mua rau gì, đến vùng nào họ đều biết cả. Những vùng rau chuyên canh kéo theo hệ thống thương lái, hệ thống thông tin nhu cầu thị trường gần như ổn định. Ở những vùng này, hợp tác xã phải làm tốt công tác nắm bắt nhu cầu thị trường để định hướng và điều tiết các hộ sản xuất. Ông Nguyễn Như Cường cho biết: “Cục Trồng trọt đang nghiên cứu cách làm để ngay trước mỗi mùa vụ sản xuất đều sẽ gửi văn bản khuyến cáo, nhắc nhở địa phương phải có giải pháp chủ động kiểm soát sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường, tránh dẫn đến dư thừa nông sản phải huy động giải cứu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.