Không thể lãng quên cuộc chiến biên giới Vị Xuyên

24/07/2017 06:42 GMT+7

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Giang không thể bị lãng quên

Ngày 23.7, tại TP.HCM diễn ra lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Vị Xuyên (Hà Giang), ra mắt Ban Liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên ở các tỉnh phía nam với sự tham dự của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường ác liệt này.
Cuộc chiến khốc liệt nhất
Do một thời gian cuộc chiến này (chủ yếu từ 1984 - 1989) không được nhắc tới nhiều nên trong cuộc gặp sáng qua, nhiều đồng đội sau này chuyển vào phía nam sinh sống mới gặp lại nhau sau nhiều năm biệt tin tức. Chiến sĩ Hồ Viết Xuân (quê Diễn Châu, Nghệ An) năm 1975 nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 356 thuộc Quân khu 2. Năm 1979 nổ ra chiến tranh biên giới phía bắc chống Trung Quốc xâm lược, ông Xuân tham gia bảo vệ đất nước cho đến năm 1988 thì xuất ngũ về quê, rồi đi kinh tế mới tại Bình Phước. Tại cuộc gặp gỡ ngày 23.7, ông Xuân mới gặp lại nhiều đồng đội sau hơn 20 năm.
“Cuộc chiến biên giới Vị Xuyên khốc liệt lắm. Có trận đánh trong một ngày, trung đoàn của tôi hơn 600 chiến sĩ hy sinh. Đó là ngày 12.7.1984 mà không ai có thể quên. Vẫn còn đó những hài cốt của đồng đội nơi đồi cao, thung sâu và khe suối chưa được quy tập về yên nghỉ trong lòng đất mẹ khiến tim tôi đau nhói. Nhiều nấm mồ lặng lẽ không tên, máu thẫm chiến hào, thịt nát xương tan vẫn kiên cường “sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” như lời thề mà chiến sĩ Vị Xuyên ghi vào báng súng năm xưa để quyết bảo vệ lãnh thổ, biên cương”, ông Xuân ngậm ngùi.
Sự khốc liệt của cuộc chiến Vị Xuyên đã được thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, hiện là Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên) mô tả và đúc kết trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ: Đây là cuộc chiến quy mô nhất khi Trung Quốc huy động trên 50 vạn quân, hơn 400 khẩu pháo lớn, hàng ngàn xe các loại của 8 trên 10 đại quân khu. Phía VN đã lần lượt đưa tới 9 sư đoàn chủ lực; một số trung đoàn, lữ đoàn bộ đội địa phương, pháo binh, công binh, đặc công, phòng không… tham gia chiến đấu.
Đây còn là cuộc chiến ác liệt nhất: Trong 5 năm (1984 - 1989), Trung Quốc đã bắn sang Vị Xuyên gần 2 triệu đạn pháo các loại; có đợt liền trong 3 ngày Trung Quốc bắn tới 150.000 quả đạn pháo. Tổn thất của cuộc chiến cũng rất lớn. Riêng VN có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng ngàn người bị thương; hàng trăm bản làng bị phá hủy. Có những trận đánh, trong một ngày có gần 1.000 chiến sĩ hy sinh. Sự hy sinh đó đã giúp giữ vững, toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trao kỷ niệm chương cho bà Nguyễn Thị Bê - mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Khuyên
Xương máu các anh đã xây thành bức tường thép
“Các anh ra đi khi tuổi đời mới đôi mươi, để lại sau lưng bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Nhiều đồng chí chưa có người yêu để gửi niềm thương, nỗi nhớ. Xương máu các anh đã xây thành bức tường thép bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương. Tên tuổi các anh đã trở thành bất tử với non sông, đất nước VN. Chúng ta có quyền tự hào với Tổ quốc, với nhân dân trong những năm tháng chiến đấu, gian khổ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên”, thiếu tướng Huy xúc động nói.
Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, trong gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên, đến nay vẫn còn trên 3.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập về nghĩa trang. Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa tìm được tên tuổi...
“Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Giang không thể bị lãng quên. Cần phải nói rõ cho con cháu chúng ta biết để luôn đề cao cảnh giác, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đánh thắng mọi kẻ thù để bảo vệ lãnh thổ, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu”, thiếu tướng Huy nhấn mạnh.
“Những ngày này, má lại nhớ thằng Khuyên”
Tại cuộc gặp gỡ, cả hội trường xúc động khi bà Nguyễn Thị Bê (90 tuổi) - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Khuyên, quê ở xã An Hòa, H.Ba Tri (Bến Tre), hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên, lên nhận kỷ niệm chương từ thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, trao tặng.
Liệt sĩ Khuyên sinh năm 1956, nhập ngũ năm 1977. Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới phía bắc, anh Khuyên khi đó biên chế thuộc Huyện đội Ba Tri đã tình nguyện tham gia chiến trường Vị Xuyên. Bà Bê kể, nhà có 3 người con trai thì năm 1979, một người ở chiến trường Vị Xuyên, một người ở chiến trường Campuchia. Anh Khuyên hy sinh năm 1986 khi 30 tuổi. “Khi Khuyên hy sinh, đơn vị giấu, mãi sau này mới cho má biết. Nó hy sinh khi chưa lập gia đình. Bữa nay dù không khỏe nhưng má vẫn bảo mấy đứa đưa đi dự vì biết thế nào cũng gặp lại đồng đội của con mình. Những ngày này, má lại nhớ thằng Khuyên hoài”, bà Bê tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.