Không nộp phạt sẽ bị trừ lương, kê biên tài sản

10/07/2013 11:00 GMT+7

Khấu trừ vào lương hoặc tài khoản đối với người không nộp phạt vi phạm hành chính là biện pháp được đề xuất trong dự thảo Nghị định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính vừa được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến.

 “Trốn” nộp phạt vi phạm giao thông có thể bị trừ lương hoặc tài khoản
“Trốn” nộp phạt vi phạm giao thông có thể bị trừ lương hoặc tài khoản - Ảnh: Hoàng Trang

Theo dự thảo nghị định, cán bộ, công chức, cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, tổ chức, hoặc đang được hưởng BHXH mà không chấp hành quyết định xử phạt hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế khấu trừ một phần lương, thu nhập. Tỷ lệ khấu trừ không quá 30% tổng số tiền lương, BHXH được hưởng của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập. Đến kỳ lĩnh lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

 

Đa số vi phạm hành chính có số tiền không lớn, việc đưa quy định nhiều cơ quan đi xác minh, thực hiện cưỡng chế thì có bõ hay không, hay lại một tiền gà ba tiền thóc

Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn LS TP.Hà Nội)

Dự thảo nghị định cũng đưa ra biện pháp áp dụng đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết địnhxử phạt, quyết định khắc phục hậu quả hoặc không thanh toán chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam, trừ trường hợp cá nhân đang bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập. Theo đó, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, đồng thời có trách nhiệm bảo mật những thông tin đó khi được cung cấp. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại tổ chức tín dụng khi có yêu cầu.

Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mở tài khoản phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin bằng văn bản về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hiện đang mở tài khoản tại tổ chức tín dụng của mình khi có yêu cầu. Đồng thời phải phong tỏa khoản tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Đối với người không có tài khoản ngân hàng hoặc có nhưng số tiền trong tài khoản không đủ để thực hiện việc cưỡng chế thì bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương đương số tiền bị phạt.

Giống như... thi hành án

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, luật sư (LS) Phạm Văn Phất (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết quy định cưỡng chế khấu trừ vào lương hoặc tài khoản, về mặt nguyên tắc là phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, ông Phất băn khoăn dự thảo quy định thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện rất rộng, từ chủ tịch UBND đến công an, quân đội, kiểm lâm, cán bộ thuế, hải quan, tòa án… “Về mặt nghiệp vụ thì giống như thi hành án nhưng các cơ quan này lại không có bộ phận chuyên môn. Đa số vi phạm hành chính có số tiền không lớn, việc đưa quy định nhiều cơ quan đi xác minh, thực hiện cưỡng chế thì có bõ hay không, hay lại một tiền gà ba tiền thóc”, ông Phất bình luận.

Theo một chuyên gia về pháp luật hành chính của Bộ Tư pháp, quy định cưỡng chế vi phạm hành chính bằng cách khấu trừ vào lương, tài khoản thực chất không mới mà đã được quy định tại Nghị định 37/2005 của Chính phủ. Nhưng trong 8 năm qua “chưa xử lý được trường hợp nào đối với biện pháp xử phạt này”. Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho rằng các quy định tại dự thảo nghị định về cơ bản vẫn giữ nguyên như trước nhưng được điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt hoặc một số điểm cho phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính. Biện pháp khấu trừ vào lương và tài khoản chỉ là hai trong số rất nhiều biện pháp cưỡng chế nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật.

Về tính khả thi của quy định, trong đó làm thế nào để xác định được người vi phạm bị cưỡng chế làm việc ở đâu, có tài khoản hay không, ông Quân nói: “Từ những năm 2005, khi đưa ra quy định này thì phần lớn người lao động chưa được trả lương qua tài khoản. Tuy nhiên, tôi cho rằng các biện pháp này là phù hợp với xu thế phát triển. Còn việc xác định người vi phạm thì sẽ có nhiều biện pháp để hỗ trợ cho cơ quan chức năng. Chẳng hạn sau này chúng ta có cơ sở dữ liệu quốc gia thì việc xác định thông tin liên quan về một người làm việc gì, ở đâu sẽ không phải là điều khó”.

Nguy cơ bị xử lý 2 lần?

Theo LS Phạm Văn Phất, bộ luật Lao động hiện nay quy định người chủ sử dụng lao động có quyền khấu trừ lương đối với lao động khi xảy ra mất mát hư hỏng về tài sản. Bên cạnh đó, luật này cũng đưa ra quy định không được cấn trừ quá 30% tiền lương. Do vậy quy định khấu trừ lương tại dự thảo nghị định là không trái với bộ luật Lao động.

Trong khi đó, LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, lại cho rằng dù không trái luật nhưng cần cân nhắc khi áp dụng, bởi khi cơ quan chức năng có quyết định cưỡng chế vi phạm thì sẽ gây khó khăn, phiền hà cho người lao động. “Với việc xử lý này, người lao động sẽ có nguy cơ bị chủ sử dụng xử lý thêm một lần nữa vì không chấp hành quy định pháp luật ngoài cơ quan, trong khi đây chỉ là vi phạm hành chính”, ông Hậu nói.

Thái Sơn

>> Hà Nội kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm giao thông
>> Xử lý 6.000 trường hợp vi phạm giao thông
>> Sẽ xử phạt vi phạm giao thông qua tài khoản
>> Nghịch lý trong xử phạt vi phạm giao thông
>> “Thích” phạt vi phạm giao thông
>> Bộ Công an rút dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính để chỉnh sửa
>> Xử phạt 34 đơn vị vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
>> Tăng mức phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.