Không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát nạo vét xuống vùng biển gần Hòn Cau

09/08/2017 17:10 GMT+7

Theo phương án đề xuất lên Chính phủ của Bộ Tài nguyên - Môi trường, sẽ không nhận chìm gần 1 triệu m 3 vật, chất nạo vét từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận, khu vực gần khu bảo tồn Hòn Cau.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trước mắt cho phép sử dụng vật, chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (nhiệt điện Vĩnh Tân 1) để san lấp khu vực lấn biển Cảng tổng hợp, nơi dự kiến đổ vật, chất từ hoạt động nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 4 (nhiệt điện Vĩnh Tân 4) để đảm bảo tiến độ của dự án theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư, bảo đảm được vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam, đồng thời, tránh các phát sinh pháp lý liên quan đến hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư.
Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án tổng thể để giải quyết các vật, chất nạo vét phát sinh phát triển cảng và nạo vét duy tu, bảo dưỡng luồng hàng hải về lâu dài, bao gồm biện pháp nhận chìm ở biển, kèm theo các biện pháp bảo vệ môi trường chặt chẽ.
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu đánh giá phương án sử dụng vật, chất từ hoạt động nạo vét của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để san lấp lấn biển, chống xói lở bờ biển trên địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng vật, chất từ hoạt động nạo vét thành các loại vật liệu. Đối với từng phương án, chỉ đạo xem xét, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương thống nhất với các bên liên quan về phương án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được sử dụng khu dự trữ của Cảng tổng hợp, nơi dự kiến đổ vật, chất nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 4 để đổ vật, chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện các tác động tới môi trường đối với từng phương án xử lý đối với vật chất nạo vét cảng, vũng quay tàu của các dự án còn lại; thành lập đơn vị quản lý điều phối chung hoạt động của các đơn vị thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để có sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện bảo vệ môi trường.
Về vị trí dự kiến tiếp nhận các chất nạo vét cảng, vũng quay tàu của nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị Chính phủ sẽ tiếp nhận vật, chất nạo là khu vực lấn biển làm cảng và dịch vụ sau cảng. Đây là khu vực lấn biển để xây dựng Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân giai đoạn 1. Khu vực này dự kiến tiếp nhận vật, chất nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Từ cuối tháng 3.2015, Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân giai đoạn 1 đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong đó, đã yêu cầu các biện pháp bảo vệ môi trường đối với khu vực dự kiến san lấp lấn biển, bao gồm kè bảo vệ bờ và hệ thống lót đáy theo quy định. Khu vực này hiện nay đã hoàn thành việc kè bảo vệ bờ.
Theo báo cáo của đại diện Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện tại khu vực lấn biển của cảng tổng hợp kể trên còn có khả năng tiếp nhận được khoảng 1 triệu m3 vật, chất nạo vét. Khi triển khai thực hiện san lấp sẽ có hệ thống lót đáy theo quy định.
“Do khu vực biển (nơi xây dựng nạo vét cảng, vũng quay tàu của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân) khá đồng nhất về thành phần của vật, chất nạo vét, nên vật, chất thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có các thông số cơ lý tốt, chịu được tải từ khá cao đến cao, có thể sử dụng được để san lấp lấn biển”, Bộ Tài nguyên - Môi trường lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.