Không nên tác động vào đảo cát mới hình thành ở Hội An

Lê Quân
Lê Quân
14/04/2019 09:15 GMT+7

PGS-TS Vũ Thanh Ca cho rằng lượng cát ở đảo cát là rất quý giá để bảo vệ bãi biển Cửa Đại và không được phép dùng nó làm bất cứ việc gì khác ngoại trừ dùng nó để bảo vệ bãi Cửa Đại.

[VIDEO] Đi tìm nguyên nhân Đảo cát xuất hiện giữa biển Hội An
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, Trường đại học TN-MT Hà Nội, nguyên nhân hình thành đảo cát trên biển Cửa Đại gần đây là do quá trình động lực phức tạp tại cửa sông.
Thông thường, vào mùa lũ, dòng chảy từ sông ra biển rất mạnh và mang rất nhiều cát từ sông ra biển. Khi ra đến biển, do diện tích mặt cắt có dòng chảy đột nhiên tăng nên vận tốc dòng chảy giảm mạnh và do vậy dòng chảy không đủ vận chuyển cát, khiến cát bị lắng đọng xuống đáy biển.
Đây là lý do luôn có một doi cát hình thành tại cửa sông. Sóng từ ngoài khơi dồn vào, sẽ dần xói mặt doi cát cửa sông và mang ra xa, hình thành cồn cát phía bên ngoài cửa sông. Sóng, gió và thủy triều cũng tạo nên dòng chảy dọc bờ thay đổi theo mùa. Dòng chảy này kết hợp với sóng sẽ vận chuyển cát dọc bờ. Cả 2 lượng cát này sẽ kết hợp tạo ra cồn cát cửa sông.
Trong những năm trước mùa đông 2018, gió mùa đông bắc khá mạnh đã gây xói lở nghiêm trọng bãi biển Cửa Đại. Lượng cát bị xói lở được dòng ven bờ mang xuống phía nam. Mùa đông 2018 - 2019 khá ấm với ít đợt gió mùa đông bắc và nhiều đợt gió nam, đông nam và tây nam. Chính hiện tượng thời tiết này đã tạo ra quá trình vận chuyển cát dọc bờ rất phức tạp tại khu vực Cửa Đại. Cát từ khu vực bãi tắm công cộng Cửa Đại bị xói lở được vận chuyển xuống nam, trong khi cát lắng đọng từ phía nam Cửa Đại lại được vận chuyển lên phía bắc. Lượng cát vận chuyển dọc bờ cùng với cát do sông Thu Bồn tải ra biển vào mùa lũ cuối năm 2018 góp phần tạo nên cồn cát.
Ban đầu cồn cát ngầm dưới biển. Sóng tiếp tục dồn cát lên cao cho tới khi nó nổi lên khỏi mặt nước vào thời gian triều thấp. Hiện tượng nêu trên cứ tiếp diễn cho tới khi vào kỳ triều kém mặt cát phơi lên cạn trong thời gian đủ dài và bị khô nên gió lại vun cát khô lên. Kết quả là cồn cát trở nên cao hơn mặt nước biển cả khi triều cao.
Như vậy, cát tạo thành cồn cát là cát vận chuyển từ trong sông ra và từ khu vực bãi biển bị xói lở về. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là lượng cát xói lở từ bãi biển Cửa Đại mang tới vì hiện nay do các đập thủy điện thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, lượng cát từ sông mang ra rất ít.
Qua đó, PGS-TS Vũ Thanh Ca cho rằng lượng cát ở cồn cát tại Cửa Đại là rất quý giá để bảo vệ bãi biển Cửa Đại và không được phép dùng nó làm bất cứ việc gì khác ngoại trừ dùng nó để bảo vệ bãi Cửa Đại. Có 2 cách để sử dụng cát ở cồn “cứu” bờ biển cửa Đại đang bị sạt lở: Nếu cồn cát không ngăn chặn tàu, thuyền ra vào Cửa Đại thì cứ để đó. Vào mùa hè, sóng từ phía nam sẽ vận chuyển dần cát lên phía bắc để bồi vào bãi biển đã bị xói lở. Đây cũng chính là cách mà bãi biển Cửa Đại xưa kia, khi chưa có các đập thủy điện thượng nguồn, luôn ổn định và ngày càng vươn ra biển.
Cách thứ hai là làm giống như tại bãi biển Palm ở Florida (Mỹ), tức là hút cát tại khu vực cồn cát rồi chở bằng sà lan lên hướng bắc, ngay tại bãi biển công cộng Cửa Đại đang bị sạt lở, đổ gần bờ để sóng mang vào bồi cho bãi. Bởi vì hướng sóng chính vận chuyển cát ở bờ biển Cửa Đại cũng giống như ở Florida, từ bắc xuống nam, cho nên nếu đổ cát ở phía bắc và vào mùa hè sóng sẽ mang cát vào trong bờ bồi lại bãi. Vào mùa đông, sóng và dòng chảy cũng làm xói lở bờ và mang cát về phía nam.
Ở bãi biển Palm, họ làm theo cách này và duy trì được bãi biển cực tốt. Nếu cồn cát chặn đường tàu, thuyền ra vào Cửa Đại thì phương án nạo vét, thông luồng tàu và mang cát lên đổ phía ngoài bãi tắm công cộng Cửa Đại đặc biệt hữu ích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.