Không nên khống chế mức chi cho hoạt động quảng cáo

21/05/2013 14:57 GMT+7

(TNO) Chiều nay 21.5, khi thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng không nên khống chế chi quảng cáo ở mức 15%.

>> Gia hạn 6 tháng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT
>> Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%
>> Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
>> Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%
>> Sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Cũng trong phiên thảo luận tổ, ông Trần Du Lịch, Phó đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM cho rằng việc giảm thuế suất phổ thông xuống từ mức 25% xuống còn 22% như dự thảo Luật kể từ đầu 2014, và xuống còn 20% vào 2016, là hoàn toàn hợp lý.

Ông Lịch cho biết tại TP.HCM, qua kết toán thuế năm 2012, chỉ có 30% doanh nghiệp (DN) có đóng thuế, 70% DN còn lại lỗ hoặc không có lãi. “Giảm thuế suất năm 2014 và năm 2016 sẽ tạo tâm lý tốt cho DN đầu tư mới, làm ăn lâu dài", ĐB Lịch nói.

Tuy nhiên, ĐB Lịch cũng nêu một thực tế đáng chú ý là mức thuế TNDN 25% hiện tại cũng chỉ là "mức thuế suất danh nghĩa".

Ông Lịch cho biết qua làm việc với nhiều công ty kiểm toán, các công ty này đều cho rằng đó chỉ là thuế suất danh nghĩa vì luật quy định nhiều khoản thực chi hợp lý (đơn cử như chi quảng cáo) chưa được khấu trừ thuế… nên mức thuế suất DN thực chất phải chịu lên tới 27%.

Cũng liên quan đến thuế TNDN, ĐB Lịch cho rằng việc khống chế mức chi cho hoạt động quảng cáo nâng từ mức 10% lên 15% (vượt qua mức này DN bị khấu trừ thuế) nên áp dụng tạm thời và dần phải xóa bỏ theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, cơ quan quản lý nên tính 15% này trên doanh số chứ không phải tính trên chi phí. 

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đề xuất, không nên khống chế chi quảng cáo 15%, bởi hiện nay không có DN nào chi mà không tính toán, cân nhắc trước áp lực cạnh tranh gay gắt.

“DN phải chi nhưng cũng phải cân đối chi thế nào, để còn lại lợi nhuận chia cho cổ đông, tích lũy. Chi quảng cáo, khuyến mãi... là tác nhân đầu vào thúc đẩy quảng cáo. Nhờ đó các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo đài có thu nhập. Mà có thu nhập thì đóng thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN”, ĐB Hòa nói.  

Ưu đãi thuế suất giá trị gia tăng 5% chi phí đầu vào cho báo in

ĐB Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng, dự thảo Luật thuế TNDN đưa mức thuế suất ưu đãi đối với báo chí ở mức 10% là rất hợp lý, là kết quả kiến nghị nhiều năm.

Tuy nhiên, với tình hình báo chí hiện nay, báo chí dù là cơ quan tuyên truyền nhưng hoạt động tài chính như một đơn vị DN, theo cơ chế tự chủ, tự cân đối thu chi. Các cơ quan báo chí rất khó khăn khi phải đảm bảo hai nhiệm vụ trên, để có lãi mà tồn tại.

Vì vậy, thuế TNDN lần này giảm xuống ở mức 10% là hợp lý, nhưng mới chỉ hỗ trợ một phần. Chỉ đơn vị nào có lãi, mới có thu nhập đóng thuế. Còn đa số cơ quan báo chí hiện nay khó khăn, mức thuế này chưa có ý nghĩa gì.

Nên có nhiều hỗ trợ thiết thực hơn giúp giảm chi phí đầu vào cho hoạt động báo in, như đưa chi phí vật tư báo in, chi phí in báo vào mức thuế suất VAT là 5%.

Theo ĐB Trang, trong danh mục đối tượng hưởng mức thuế này không có liệt kê hoạt động báo in. Nếu khó khăn quá báo chí trở lại bao cấp như thời gian trước là không tốt, phải hỗ trợ để báo chí tự tồn tại và phát triển. 

 Anh Vũ 

>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Cuối năm 2013 sẽ có kênh truyền hình riêng của Quốc hội
>> Trong tháng 5, Quốc hội quyết định một số vị trí nhân sự quan trọng
>> Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Tập trung cho giải pháp tài chính, tiền tệ
>> Quốc hội cần giám sát làm rõ dự án bauxite lỗ hay lãi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.