Không lẽ có án mạng rồi mới rút giấy phép?

06/12/2019 05:35 GMT+7

Một phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tại TP.HCM đã từng bị Sở Y tế kiểm tra nhiều lần, phạt tổng cộng 142 triệu đồng, nhưng mới đây tiếp tục bị bệnh nhân tố “vẽ bệnh, làm tiền”.

Điều kỳ lạ này khiến bạn đọc phải thốt lên: “Không lẽ Sở Y tế chờ khi nào gây ra án mạng mới chịu rút giấy phép (!?)”.
Trong bài viết TP.HCM: Tái diễn chiêu “vẽ bệnh, làm tiền” đăng trên Báo Thanh Niên, nhóm PV đã phản ánh về việc Phòng khám (PK) Thái Bình Dương (34 - 36 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1) bị bệnh nhân S. tố “vẽ bệnh”, chẩn đoán sai... khi anh đến đây khám vì bị sưng bao quy đầu.
Dù được nhân viên PK tư vấn phẫu thuật với máy móc hiện đại, nhưng thực tế bác sĩ (BS) Trung Quốc chỉ cắt tay thông thường... Đáng chú ý, trả lời PV Thanh Niên sau đó, BS Nguyễn Mạnh Cường, quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra PK Thái Bình Dương 3 lần, phạt tổng cộng 142 triệu đồng, với các sai phạm như: không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn; chỉ định dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; thu giá cao hơn niêm yết...

“Chém đẹp”

Ngoài những tố cáo của anh S. như trong bài viết, một số bạn đọc (BĐ) cũng phản ánh về các PK có BS Trung Quốc, như: những PK kiểu này “chém đẹp” và vẽ đủ thứ để lấy tiền; BS toàn người Trung Quốc không biết tiếng Việt. Họ không có phòng cho bệnh nhân nhưng vẫn lưu bệnh ban đêm...
BĐ Thanh Long Sang (TP.HCM) cũng kể câu chuyện mà BĐ này là người trong cuộc liên quan đến PK mà Báo Thanh Niên đề cập.
“Tôi bị trĩ, ngồi trên xe rất khó khăn và sau bao lo lắng tôi tự tìm hiểu trung tâm khám thì biết được chỗ này. Khi tới nơi, tôi được đưa đi khám sơ bộ tại quầy có BS Trung Quốc và một anh thông dịch viên (tốn 600.000 đồng tiền khám) và vào phòng mổ khám hậu môn trực tiếp. Phòng khám chụp phim, nói rằng đã có mủ, rất nặng sau khi nghe tôi e dè tiền mổ (các gói: 1,6 triệu đồng; 9,3 triệu đồng; 13,5 triệu đồng...). Nói chung giai đoạn này, họ hối thúc tôi mổ. Tôi bấm bụng chọn gói 9 triệu đồng; chích 4 mũi thuốc tê trực tiếp xung quanh hậu môn rồi mổ. Một anh thông dịch nói liên tục bên cạnh, “chích 1 mũi giảm đau 2 triệu đồng”, tôi đồng ý và ký ngay vào giấy.
Mổ xong, họ đưa tôi xuống phòng nằm truyền thuốc giảm đau. Sau khi đóng tiền, họ yêu cầu mỗi ngày phải đến thay băng, 1 lần là 170.000 đồng. Nếu tôi không đồng ý thì họ nói “không chịu trách nhiệm gì hết”.
Tổng số tiền lúc này là 15 triệu rồi. Tôi đi về trong đau đớn ở vết mổ. Sau đó, tôi lại tiếp tục chịu đau đớn do vết thương bị nhiễm trùng, dẫn đến rò hậu môn. Lần này tôi phải vào bệnh viện cho an tâm. Qua câu chuyện của tôi, tôi nghĩ rằng họ không sợ nhân quả của cái nghề cứu người mà họ đang làm. Họ lấy tiền xong, còn sự lo lắng, đau đớn của bệnh nhân họ không đoái hoài tới. Tôi mong rằng mọi người tuyệt đối không nên vào những chỗ như thế này”, BĐ Sang kể.

Sửa đổi kịp thời các quy định

Từ những câu chuyện mà nhiều người trong cuộc chia sẻ, BĐ Bao Ky Vy (TP.HCM) đề nghị phải có quy định chặt chẽ để xử lý các PK chuyên “làm tiền” bệnh nhân; không thể chỉ dựa vào các quy định chung chung, cứng nhắc. Tính mạng con người còn bị đe dọa nếu các quy định xử lý không được sửa đổi kịp thời.
BĐ Minh Anh (TP.HCM) thắc mắc: “Sao mấy PK kiểu này ở TP.HCM cứ ba bữa nửa tháng là thấy báo chí phản ánh, rồi đổi tên xoành xoạch. Rút giấy phép thì theo Thanh tra y tế là chưa đủ mức để rút. Vậy còn cơ quan quản lý nào khác để xử lý không, nếu chứng minh được yếu tố lừa tiền từ góc độ chuyên môn là họ “vẽ bệnh lừa tiền”?”. “Không lẽ Sở Y tế chờ khi nào gây ra án mạng mới chịu rút giấy phép (!?)”, BĐ Ngô Hải cũng bức xúc.
Mấy cái PK kiểu này quảng cáo đầy trên các chương trình truyền hình, nhất là các tỉnh miền Tây. Người dân chỉ thấy quảng cáo trên truyền hình thì chắc chắn rằng “rất siêu” nên tới thôi.
Võ Long Giang (TP.HCM)
Ai từng là nạn nhân cứ tố cáo đi. Lúc đó là câu chuyện hình sự, cơ quan công an sẽ vào giải quyết. Chứ như BS Cường (BS Nguyễn Mạnh Cường, quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - PV), nêu thì thẩm quyền xử phạt, rút giấy phép của Thanh tra Sở Y tế cũng có những hạn chế nhất định.
Vũ Trần Nam (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.