Không hành động, sợ trách nhiệm chúng ta sẽ tụt hậu

09/11/2019 06:10 GMT+7

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 8.11, Thủ tướng khẳng định nguy cơ lớn nhất với đất nước không phải là bẫy thu nhập và tụt hậu kinh tế mà là chúng ta không hành động vì "sợ trách nhiệm".

Do đó, mỗi người dân phải có ý chí, khát vọng dân tộc, đồng lòng, quyết tâm hành động đưa Việt Nam hưng thịnh, hùng cường.

Độc lập, tự chủ không “1 mình, 1 chợ”

Trước khi bước vào phiên chất vấn chiều 8.11 trước Quốc hội (QH), Thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu (ĐB) quan tâm. Đây là dịp mà theo Thủ tướng, bản thân mình và các bộ trưởng có cơ hội để nhìn lại công tác điều hành, quản lý trong nhiệm kỳ; ghi nhận ý kiến quý giá của cử tri, người dân cả nước.
Nhìn lại năm qua, Thủ tướng đánh giá đây là năm thứ hai liên tiếp dự báo đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi người cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.
Thủ tướng cam kết sẽ tháo gỡ từng nút thắt như giải ngân chậm vốn đầu tư công, triển khai các dự án trọng điểm, cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế, mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”, Thủ tướng khẳng định.
Trong phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, đặt câu hỏi: “Thủ tướng đánh giá thế nào về mức độ độc lập tự chủ nền kinh tế nước ta hiện nay và những giải pháp căn cơ gì để phát triển bền vững”.
Về độc lập, tự chủ của nền kinh tế, theo Thủ tướng, phải đặt trong xu hướng hội nhập quốc tế, không ai có thể đứng “một mình một chợ”. VN phải chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa để chống lại những cú sốc của nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã có tiến bộ đáng mừng, từ một nước đói nghèo, nay xuất khẩu nông nghiệp lên tới hàng chục tỉ USD. Đặc biệt, GDP tăng trưởng liên tục, quy mô nền kinh tế mở rộng lên hàng trăm tỉ USD, lạm phát thấp, vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối cao.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá, quy mô nền kinh tế lớn hơn, rộng hơn nhưng quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình vẫn chậm; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. “Chúng ta có rất ít doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thủ tướng còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ, Thủ tướng sẽ có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên?”, ĐB Tám chất vấn.
Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế, mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng bình đẳng, tiếp cận các cơ hội để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả, không ai bỏ lại phía sau. Tất cả các vùng kinh tế dù có chênh lệch nhưng không nhiều, đảm bảo phát triển bền vững, kể cả các tỉnh vùng sâu, vùng xa… Thủ tướng cũng thừa nhận sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém và không có nhiều nhiều tập đoàn tầm cỡ quốc tế. Để đột phá, cần phải làm tốt thể chế pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, đây là những điểm nghẽn của đất nước. Ngoài ra, phải cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Nhà nước tạo thuận lợi về thủ tục gia nhập, rút khỏi thị trường và can thiệp bằng công cụ kinh tế. Không bao cấp cho sự yếu kém, không bao cấp tràn lan. Sẽ có biện pháp mạnh hơn, tốt hơn để quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn”, Thủ tướng khẳng định.

Không chấp nhận văn hóa nhợt nhạt, lai căng

Một vấn đề được nhiều ĐB chất vấn Thủ tướng là phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế. “Nhiều quốc gia trở thành cường quốc kinh tế, đồng thời cũng là cường quốc văn hóa trong quá trình phát triển. Thủ tướng cho biết, phát triển văn hóa có phải vấn đề có tầm chiến lược quan trọng xây dựng đất nước ta hay không và Thủ tướng có giải pháp đột phá gì?”, ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn.
Thủ tướng trả lời: “Câu hỏi rất hay, rất cần thiết bởi chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công”.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có 4.000 năm lịch sử với một nền tảng văn hóa của 54 dân tộc anh em nhưng cùng một lòng tin, đoàn kết, thống nhất là rất đáng quý. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm, nhất là trong quản lý nhà nước về văn hóa. Từ việc chưa có nề nếp trong hoạt động văn hóa, chưa quan tâm các cuộc vận động mà Đảng, Nhà nước, MTTQ đã vận động, chính sách giữ gìn phát triển văn hóa cũng chưa được quan tâm, đầu tư cho văn hóa còn ít…
“Tại cuộc trả lời hôm nay, tôi nêu mục tiêu của Chính phủ, kinh tế của chúng ta sớm vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình nhưng đồng thời chúng ta không chấp nhận tình trạng văn hóa Việt Nam lờ nhờ, nhợt nhạt, kém văn hóa. Không chấp nhận có một nền văn hóa lai căng, đặc biệt để mất truyền thống văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết thời gian qua, Chính phủ đã thảo luận để đưa ra nhiều giải pháp để phát triển văn hóa.
Xuyên suốt phiên chất vấn, theo Thủ tướng, để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, hưng thịnh phải biến nguy thành cơ, tận dụng triệt để những thời cơ lớn. “Chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong mỗi chúng ta; hãy khơi dậy sức sáng tạo với ngọn lửa đầy nhiệt huyết và đam mê, hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt trên mỗi cương vị của mình. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần đóng góp khơi dậy ý chí, khát vọng dân tộc hùng cường, thịnh vượng để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Ý kiến

Không né tránh vấn đề khó

Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐB nêu; đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. QH yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực quản lý.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

Thẳng thắn, trực diện

Thủ tướng đã chuẩn bị rất nghiêm túc và bài phát biểu của Thủ tướng trước QH thể hiện quyết tâm chính trị rất mạnh trong việc làm thế nào tiếp tục tăng tốc và chắp cánh cho sự phát triển của đất nước. Phần trả lời các câu hỏi chất vấn của Thủ tướng cũng cho thấy ông đã lắng nghe rất cẩn thận các chất vấn của ĐB. Nội dung trả lời của Thủ tướng cũng đi sâu vào từng câu hỏi một cách thẳng thắn, trực diện, kể cả vấn đề khó như đầu tư công, văn hóa, môi trường hay xử lý cán bộ...
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.