Không ghi âm, ghi hình hòa giải, đối thoại tại tòa nhằm bảo mật thông tin?

26/05/2020 17:48 GMT+7

Dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đưa ra quy định không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại nhằm bảo mật thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại...

Về dự thảo luật hòa giải, đối thoại tại tòa án đưa ra quy định không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại nhằm bảo mật thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại khiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng 25.5.
Quy định này được thể hiện tại Điều 4 dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Đồng thời, Điều 4 cũng nêu việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại điều 31 của luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Giải đáp những băn khoăn của ĐBQH, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình trước Quốc hội cho rằng nguyên tắc bảo đảm bí mật của câu chuyện hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này, bởi đôi khi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín trong lòng, tại sao người ta ly hôn, tại vì ông này có cái này, bà này thế này, những việc như thế không thể mang ra để thành câu chuyện đàm tiếu.
Hay khi chia tài sản người ta cũng không muốn gia đình người ta có bao nhiêu tiền, ra Tòa thì tất cả phải được công khai, đất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền bao nhiêu, cổ phần cổ phiếu bao nhiêu, nhưng chế định (chế định hòa giải, đối thoại tại tòa) này người ta không muốn cho nên khi người ta đã chia sẻ thông tin với hòa giải viên tất cả những thông tin về mặt đời tư thì bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật cho người ta.
“Đây là những yêu cầu về bí mật, là nguyên tắc rất lớn. Bản thân ông thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung của việc chia sẻ này. Chính vì vậy, trong luật không được ghi biên bản, không được ghi âm, không được ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín”, ông Nguyễn Hòa Bình nêu.
Về vấn đề này, ông Uông Chu Lưu (Phó chủ tịch Quốc hội) cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu báo cáo giải trình và báo cáo với Quốc hội vào ngày xem xét thông qua dự án luật này.

Công khai thông tin, hình ảnh là quyền của đương sự

Theo các chuyên gia pháp luật, việc không ghi âm, ghi hình hòa giải, đối thoại tại tòa án là vi phạm nguyên tắc tự nguyên thỏa thuận, “việc dân sự cốt ở đôi bên” hoặc nguyên tắc “tự định đoạt và tự quyết định của đương sự” được quy định trong tố tụng dân sự.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Khoa luật Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM) cho rằng hòa giải, đối thoại là để đơn giản hóa mọi tranh chấp, nhưng việc ghi âm, ghi hình hoặc công khai thông tin, hình ảnh hay không là quyền của đương sự, không ai cấm được.
“Nếu đương sự mong muốn công khai những thông tin, hình ảnh đó thì hòa giải viên phải đồng ý. Trừ trường hợp cả hai bên đương sự yêu cầu không ghi âm, ghi hình, không công khai thông tin thì việc giữ bí mật là tất nhiên. Quyền ghi âm, ghi hình hay không phải cho đương sự quyền lựa chọn”, ông Lưu Đức Quang nói.
Luật sư Trương Xuân Tám (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá đến bộ luật hình sự vô cùng bí mật mà còn yêu cầu ghi âm ghi hình, còn hòa giải đối thoại tại tòa chủ yếu là vụ việc dân sự, hành chính, là việc của đôi bên thì việc công khai, hay giữ thông tin, hình ảnh đến đâu là chuyện của đương sự.
“Tại buổi hòa giải, đối thoại tại tòa, đương sự có quyền yêu cầu những thông tin nào cần bảo mật. Vì vậy, nếu các bên hoặc hòa giải viên để lộ thông tin thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Đã dùng cơ chế hòa giải, đối thoại là thân thiện, công khai với nhau thì nếu đương sự không có yêu cầu phải giữ bí mật thông tin, hình ảnh thì các buổi hòa giải phải công khai, qua đó việc ghi âm, ghi hình sẽ do đương sự tự quyết định”, luật sư Trương Xuân Tám nêu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.