Không được hỏi cung bị can nếu không có ghi âm, ghi hình

09/11/2017 18:00 GMT+7

Đó là nội dung của Dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến góp ý.

Mới đây, Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến góp ý về Dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, dự thảo lần này quy định rõ trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Dừng hỏi cung nếu thiết bị ghi âm, ghi hình có sự cố
Việc ghi âm, ghi hình sẽ diễn ra tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Trước khi ghi âm, ghi hình phải được thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, đồng thời việc thông báo này phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.
Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Trường hợp đang hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật không thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai.
Dự thảo nêu rõ trong giai đoạn truy tố việc sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là cơ sở xác định tính khách quan, đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai, bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra.
Kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cũng được sử dụng trong quá trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thẩm định vụ án hình sự.
Ghi âm bị hỏng có vi phạm tố tụng?
Liên quan đến vấn đề này, LS Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn Ls TP.HCM) kiến nghị nên trao quyền cho luật sư được nghe, xem lại ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra vì sẽ làm tăng giá trị kiểm tra kết quả làm việc nhằm xác định được sự thật khách quan của vụ án.
"Ngoài ra, thông tư chưa quy định vấn đề bản ghi âm, ghi hình bị hỏng giai đoạn xét xử và phiên tòa phát hiện ra thì có được xem là trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, là vi phạm thủ tục tố tụng để phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Bởi do đặc thù nên sự thật của vụ án có khi phải đến tận giai đoạn chuẩn bị kết thúc vụ án, tức đến phiên tòa phúc thẩm mới được phát hiện ra. Nếu không quy định rõ dữ liệu này được xem là tài liệu vụ án và hậu quả của việc thiếu này tương tự như việc khuyết hồ sơ vụ án thì mới nâng tầm giá trị của dữ liệu",  LS Công phân tích.
Còn LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trên thực tiễn xét xử vụ án hình sự thì rất nhiều bị can, bị cáo kêu oan đều cho rằng trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai, đối chất thì mình đã bị ép cung, bức cung, nhục hình, mớm cung… nên lời khai tại Cơ quan điều tra là không đúng sự thật. Nhưng do không có chứng cứ chứng minh nên việc cho rằng mình bị ép cung, bức cung, nhục hình, mớm cung…của bị can, bị cáo đều bị “bác bỏ”. Quy định về việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung, đối chất là bước tiến lớn trong tố tụng hình sự, là sự tiến bộ nhằm minh bạch hóa hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.
“Lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên cần thực tiễn để kiểm chứng những ưu điểm cũng như những bất cập của các quy định trong Thông tư khi được ban hành. Nhưng rõ ràng nó cho thấy tín hiệu đáng mừng trong cải cách tư pháp ở nước ta. Để quy định này được thực hiện nghiêm túc thì bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ, nhận thức của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng… cũng cần đưa ra chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm”, LS Chánh nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.