Không được dùng ngân sách cho DN vay

10/01/2017 06:41 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như vậy khi cho ý kiến về dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tại phiên họp chiều qua (9.1) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết có nhiều ý kiến đề nghị xem xét phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, vì quy định như hiện nay là quá rộng khi doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang chiếm khoảng 97,9% tổng số DN, trong khi nguồn lực hỗ trợ của nhà nước có hạn.
UBKT đề nghị hỗ trợ theo các hướng gồm hỗ trợ cơ bản và hỗ trợ trọng tâm. Hỗ trợ cơ bản là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả DNNVV như: vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, thông tin, tư vấn, mua sắm công... Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả các DNNVV được hưởng các hỗ trợ này mà phải đáp ứng điều kiện hỗ trợ của từng nội dung hỗ trợ cơ bản. Còn hỗ trợ trọng tâm hướng vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Theo UBKT, để hướng tới mục tiêu 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả thì về lâu dài, hỗ trợ thuế cho DNNVV vẫn là chính sách hỗ trợ cơ bản. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng lớn tới cân đối thu ngân sách, cần thu hẹp đối tượng hỗ trợ để bảo đảm nguồn lực, tăng thêm tính khả thi. UBKT đề nghị chỉ hỗ trợ thuế cho các DNNVV là đối tượng của các chương trình trọng tâm; đồng thời, sẽ nghiên cứu quy định rõ hơn về mức thuế suất thuế thu nhập DN, thời hạn hỗ trợ, chính sách hỗ trợ phải theo phân loại các DN...
Cho ý kiến tại phiên họp, hầu hết các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đều bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự án luật.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo luật có nhiều điểm chưa ổn về cả nội dung lẫn kỹ thuật lập pháp. Tại sao luật lại quy định về chương trình hỗ trợ? Luật là căn cứ để Chính phủ đưa ra các chương trình chứ có luật nào lại quy định cụ thể chương trình hỗ trợ? Luật cũng nêu ra tới 5 loại quỹ, trong đó quỹ sáng tạo khởi nghiệp gồm 2 quỹ sáng tạo khởi nghiệp của địa phương và quỹ của tư nhân cũng là chưa ổn.
Theo Chủ tịch QH, các vấn đề liên quan tài chính ngân sách trong dự luật cũng phải được xem xét lại. “Luật quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho vay là sai về cơ bản luật NSNN. NSNN không bao giờ được sử dụng cho vay DN. Quy định về thuế cũng sẽ phá vỡ hệ thống chính sách thuế”, Chủ tịch QH nói.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị UBKT chủ trì cùng các cơ quan liên quan gồm Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hội DNVVN... rà soát lại dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi cũng như việc hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm; xem xét lại một số nội dung, trong đó có quy định liên quan đến các quỹ, chương trình hỗ trợ để tránh phân tán nguồn lực...
Quy định rõ các khoản bồi thường oan sai
Sáng 9.1, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, còn rất nhiều vấn đề nếu không quy định cụ thể thì rất khó cho các cơ quan trong việc giải quyết bồi thường oan sai. Dẫn chứng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết sau kiểm điểm lại thì các cơ quan liên quan nói việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn không đúng, dẫn đến việc bồi thường quá cao, nhưng các trường hợp bồi thường sau đều căn cứ vào vụ của ông Chấn để yêu cầu bồi thường như một “tiền lệ”.
Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật, có ý kiến đại biểu QH đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác. Cơ quan quản lý bồi thường nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của luật Ngân sách nhà nước. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng ý hoạt động của nhà nước thì phải do ngân sách đảm nhiệm, dù là tiền xử phạt hay khoản thu khác cũng đều là tiền ngân sách, nhưng không đồng tình với việc lập quỹ vì “đã có nhiều quỹ quá rồi, mà quỹ thì cũng hoạt động từ ngân sách”.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nhân danh nhà nước, công quyền mà làm oan, sai thì trước mắt lấy ngân sách bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người bị oan. Bên cạnh đó, cũng xác định mức bồi hoàn tương xứng để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ. “Có những quy định lâu nay người ta bức xúc vì muốn bồi thường phải có hóa đơn chứng từ. Trên thực tế, người bị oan sai không thể xác định được hóa đơn chứng từ cụ thể. Vấn đề lấy tiền ở đâu? Người làm ra oan sai không làm với tư cách cá nhân mà nhân danh nhà nước và công quyền. Do đó, tiền đền bù cho người bị oan đầu tiên phải lấy từ nhà nước, sau đó mới tính khoản bồi hoàn”, bà Nga nêu chính kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.