Không đổ cho thiếu tiền, cơ chế nên thiếu thiết bị, sinh phẩm phòng dịch

Chí Hiếu
Chí Hiếu
08/08/2020 06:40 GMT+7

Các địa phương có ca nhiễm Covid -19 phải có phương án huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho trang bị phương tiện, sinh phẩm phòng chống dịch, chứ không được nói là vì thiếu tiền, hay đổ lỗi cho cơ chế.

Đó là yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ bàn về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra hôm qua (7.8), mà nội dung được thảo luận nhiều nhất là trang bị máy móc, vật tư, sinh phẩm cho việc phòng dịch, nhất là với địa phương có ca nhiễm Covid-19.

Thủ tướng: "Không để thiếu thốn thiết bị, sinh phẩm phục vụ chống dịch Covid-19" - Nguồn: VTV

Trang bị nhanh nhưng phải đúng luật

Theo Thủ tướng, dịch Covid-19 đang lây lan ở mức cao, bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực, nên chúng ta không thể mất cảnh giác, chủ quan. Chính phủ xác định, cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm, do đó không để thiếu thốn máy móc, thiết bị, sinh phẩm phục vụ chống dịch; làm sao để nguồn nhân lực, nhất là những chiến sĩ áo trắng, có mặt khi cần thiết, kịp thời là yêu cầu cấp bách trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh đó, cần có hình thức thông tin phổ cập hơn nữa để người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhanh chóng phát hiện ca nhiễm.
Phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế... Không thể lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, hay đổ cho việc thiếu tiền
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương. “Phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế”, Thủ tướng yêu cầu và lưu ý “Làm nhanh nhưng không để xảy ra tham nhũng, thực hiện theo luật Đấu thầu”. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh “không thể lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, hay đổ cho việc thiếu tiền”. “Thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng, hoặc báo cáo gấp T.Ư để xử lý vấn đề này. Phải quán triệt tinh thần “4 tại chỗ”, Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, tăng cường sản xuất máy thở và khẩu trang y tế cho các tỉnh, TP trọng điểm cũng là yêu cầu cấp bách hiện nay. Cùng với đó, cần sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến tại những địa phương cần thiết, như Đà Nẵng, Quảng Nam, các TP có thể đông người lây nhiễm.

Bản tin Covid-19 ngày 7.8: Cuộc chiến bắt đầu thời kỳ cao điểm

Không lo thiếu khẩu trang

Về vấn đề khẩu trang, báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết hiện có 100 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, có thể sản xuất 100 triệu khẩu trang/tháng. Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu 557 triệu khẩu trang y tế, riêng tháng 6 xuất khẩu 236 triệu chiếc. Nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất khẩu trang y tế được bảo đảm. Hiện cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải không thiếu, bảo đảm cho công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng cho rằng đeo khẩu trang là một yêu cầu hiện nay, trước hết đối với nơi công cộng, các TP lớn, nơi có dịch, và có thể mở rộng ra nhiều địa phương trong thời gian tới. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương phải vận động cũng như có hình thức cung cấp, mua bán khẩu trang phù hợp, đồng thời hoan nghênh TP.HCM và Hà Nội xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với cá nhân không sử dụng khẩu trang ở nơi đông người.

Bất ngờ với ATM khẩu trang đầu tiên tại Việt Nam giữa đại dịch Covid-19

Để chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững, Thủ tướng khẳng định “phải dựa trên cơ sở duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế” với tinh thần hoạt động kinh tế nhưng phải chú ý phòng dịch chặt chẽ, hay nói cách khác là không thể dừng các hoạt động kinh tế, nhưng không phải vì kinh tế mà ảnh hưởng tới phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác; xem xét tính toán nguồn dự trữ cung ứng lương thực thực phẩm, đề phòng tình huống dịch kéo dài hơn dự kiến. Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được giao căn cứ diễn biến dịch để quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý không để đình trệ công việc, đặc biệt công việc có thời hạn, những hợp đồng xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.