Không để “thí tốt”

13/01/2012 00:39 GMT+7

Chấp nhận các rủi ro, nguy hiểm để tìm ra ngọn nguồn "công nghệ" chế biến xăng dầu bẩn, điều mà những người trực tiếp thực hiện loạt bài điều tra và cả xã hội chờ đợi là phải xử lý thật nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan trách nhiệm trong việc này.

Tuy nhiên, câu trả lời "nếu đầu mối sai phạm, tổ chức nhập một lô xăng về pha bán cho đại lý, thì tùy mức độ pháp luật xử lý. Nếu lái xe xăng tự pha thì công an xử lý" của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú lại gây ngạc nhiên, lo ngại và bức xúc cho dư luận. Ngạc nhiên là bởi ở góc độ quản lý trực tiếp nhưng Thứ trưởng đã không "thuộc bài" khi "phủi trắng" trách nhiệm của Petrolimex trong vụ việc trên. Cụ thể, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu quy định đầu mối phải có trách nhiệm về chất lượng hàng hóa. Nghĩa là, Petrolimex phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xăng dầu bị rút ruột, bị "làm bùa" thành xăng dầu bẩn như Thanh Niên đã thông tin. Thật khó hiểu khi Thứ trưởng lại "quên" quy định quan trọng này, nhất là khi hậu quả của việc xăng dầu bẩn là hết sức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Đặt giả thiết các nhà sản xuất, các doanh nghiệp đầu mối cứ "đẩy" hàng hóa ra khỏi cửa nhà máy, xí nghiệp của mình là phủi trách nhiệm thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn, sẽ không ai dám sử dụng sản phẩm của những công ty này. Cũng như người mua không thể "bắt đền" người giao hàng khi ti vi, tủ lạnh mà mình bị lỗi kỹ thuật; không thể bắt đền người giao hàng khi nước uống hay gạo mình mua không đạt chất lượng như cam kết. Nếu có thể phủi trách nhiệm dễ dàng như vậy, có lý do gì để không ít thương hiệu lớn trên thế giới như Toyota, Sony... phải thu hồi sản phẩm, phải đền bù thiệt hại như vừa qua. Vậy thì tại sao Petrolimex lại vô can khi xăng dầu do họ nhập, công ty của họ, đại lý của họ, người trực tiếp rút ruột và pha chế xăng dầu bẩn cũng là của họ? Nếu chỉ xử lý tài xế pha xăng như Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói, vấn đề xăng dầu bẩn gây nhức nhối xã hội vẫn còn nguyên đó. Và hậu quả của nó không thể lường trước được.

Cố gắng vượt qua nhiều "chướng ngại vật" để quay cận cảnh công nghệ pha chế xăng dầu bẩn, những người thực hiện loạt bài này chỉ muốn có câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề chất lượng xăng dầu, vấn đề xe cháy nổ dường như bế tắc hiện nay. Điều chúng tôi lo sợ, không phải là những rủi ro, nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp mà là sự "đánh bùn sang ao", xử lý theo kiểu "thí tốt". Bởi xăng dầu bẩn bán ra thị trường không còn dừng lại ở việc thiệt thòi, lừa dối người tiêu dùng hòng thu lợi, nó đang là nguyên nhân của những thương vong, thiệt hại tài sản, sức khỏe và tính mạng của hàng chục triệu người. Vì vậy, không thể "thí tốt" mà phải xử lý thật nghiêm, không bỏ sót bất cứ cá nhân, đơn vị nào liên đới... mới mang lại niềm tin cho toàn xã hội trong vấn đề xăng dầu nhức nhối hiện nay.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.