Không để người lao động trong khu vực cách ly thiếu đói

Thu Hằng
Thu Hằng
21/05/2021 11:26 GMT+7

Sức khỏe , tính mạng của đoàn viên, người lao động là trên hết, các cấp công đoàn cần sẵn sàng tham gia chống dịch Covid-19 , tuyệt đối không để người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa thiếu đói.

Đây là một trong những nội dung được Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam lưu ý LĐLĐ các địa phương tại công văn về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp (KCN) nơi tập trung đông công nhân, lao động (CNLĐ), ban hành tối 20.5.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị công đoàn các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh Covid-19 phối hợp cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) đang ở khu vực bị phong tỏa. Khi các điều kiện an toàn, sớm đưa cán bộ công đoàn, các tình nguyện viên vào trao quà, nhu yếu phẩm cho CNLĐ. Tuyệt đối không để đoàn viên, NLĐ trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư và tương đương tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đoàn viên, NLĐ.
Các cấp công đoàn cần cảnh giác cao độ, sẵn sàng “trực chiến” vì dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều ca ở trong cộng đồng; khi phát hiện ca mắc cần tập trung phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.

Sáng 21.5: Danh sách 10 điểm phong tỏa vì Covid-19 tại TP.HCM

Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi đoàn viên, NLĐ tham gia, hợp tác, ủng hộ và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; về quê cách ly tại nhà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi di chuyển; đồng thời kêu gọi sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp về tài chính, hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch và chăm lo đoàn viên, NLĐ; hỗ trợ, chi viện cho CNLĐ và các địa phương đang có dịch.
Chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để chăm lo, hỗ trợ, bảo đảm chế độ, tiền lương cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của bộ luật Lao động năm 2019, nhất là các ca F0, F1, F2 và CNLĐ đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan Nhà nước.
Riêng các tỉnh, thành phố đang có dịch, đặc biệt là các tỉnh, thành đã có nhiều CNLĐ trong doanh nghiệp và trong KCN dương tính với SARS-CoV-2, các cấp công đoàn chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo, thông tin kịp thời tình hình, diễn biến dịch với công đoàn cấp trên và cơ quan chức năng. Thiết lập đường dây nóng, nếu thấy cần thiết.
Phân công cán bộ “trực chiến” phối hợp chính quyền, người sử dụng lao động xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả, nhất là khi có ca mắc mới, ổ dịch mới cần khẩn trương thống kê, truy vết xác định các trường hợp CNLĐ là F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm tạm thời.
Trước đó, ngày 19.5, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã ra quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27.4, với mức hỗ trợ tối đa lên tới 3 triệu đồng/người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.