Không để người không xứng đáng, chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/01/2021 06:16 GMT+7

Hướng dẫn về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa 15 và HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Ban Tổ chức T.Ư yêu cầu không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội.

Sáng 21.1, Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bầu ra ĐBQH xứng đáng, ngang tầm nhiệm vụ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định cùng với Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử ĐBQH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là hoạt động chính trị quan trọng, đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đây là cơ hội để thực hiện quyền làm chủ của người dân thông qua việc lựa chọn bầu ra những đại biểu thực sự tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. “Sau đại hội, chúng ta tổ chức cuộc bầu cử này, tôi thấy rất có ý nghĩa, rất đồng bộ, nhịp nhàng. Chúng ta thấy đây là hoạt động của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội

Tại hội nghị, phổ biến Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho hay Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỷ lệ ĐBQH chuyên trách (theo luật Tổ chức Quốc hội 2020 là ít nhất 40% - PV).
Trong khi đó, trình bày kế hoạch triển khai công tác bầu cử, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Cụ thể, mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương; bảo đảm mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có ít nhất 6 đại biểu.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, cần quán triệt thật tốt quan điểm tư tưởng, chỉ đạo và những chủ trương chính sách lớn mà Đại hội XIII của Đảng đề ra về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và HĐND các cấp trong sạch vững mạnh. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh phải quán triệt vấn đề này trong công tác cán bộ, để lựa chọn bầu ra những ĐBQH và HĐND các cấp thật sự xứng đáng, có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết đại hội của Đảng. “Nói như thế để càng thấy rõ ý nghĩa rất quan trọng của cuộc bầu cử lần này. Chúng ta phải tổ chức và chuẩn bị tiến hành làm sao thực sự dân chủ, đoàn kết, và chọn ra được những đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.

Đảng viên tự ứng cử phải được cấp ủy đảng đồng ý

Hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính trình bày những điểm mới trong Hướng dẫn công tác nhân sự ĐBQH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, vừa được Ban Tổ chức T.Ư ban hành ngày 20.1. Theo đó, ông Chính cho biết đối với tiêu chuẩn ĐBQH khóa 15, ngoài các tiêu chuẩn chung đã được quy định trong luật Tổ chức Quốc hội, triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư bổ sung yêu cầu: không giới thiệu đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, những người vi phạm Quy định 126/QĐ-TW ngày 28.2.2018 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
“Hướng dẫn cũng bổ sung cụ thể về yêu cầu kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội”, ông Chính nói.
Về độ tuổi đối với ĐBQH, ông Chính cho hay cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa, nam sinh từ tháng 2.1966, nữ sinh từ tháng 1.1971 trở lại đây. ĐBQH chuyên trách tái cử (trừ các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính từ tháng 5.2021, nam sinh từ tháng 8.1963, nữ sinh từ tháng 7.1968 trở lại đây. Riêng những người ứng cử ĐBQH là cán bộ quân đội, công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và luật Công an nhân dân. “Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58 ngày 12.9.2014 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định”, ông Chính cho hay.
Cũng theo ông Chính, hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư nêu rõ việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp thực hiện theo quy định tại luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Đối với người ngoài Đảng, Ủy ban MTTQ VN các cấp phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Đảng viên tự ứng cử ĐBQH, tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp, phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.