Không để lơ là phòng dịch Covid-19

09/11/2020 05:56 GMT+7

Việc phòng chống dịch, điều trị Covid-19 vẫn khó khăn do còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nguy hiểm; tâm lý chủ quan 'ngủ quên' trên chiến thắng...

Sau khoảng thời gian dài không có ca bệnh Covid-19 mới xuất hiện trong cộng đồng, ở một số tỉnh thành, người dân đã có biểu hiện lơ là, chủ quan phòng chống dịch.

Hiệu ứng domino

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong các ngày 7 và 8.11, nhiều địa điểm công cộng ở TP.HCM tập trung rất đông người nhưng đa số không mang khẩu trang. Điển hình, tối 7.11, một góc của phố đi bộ Nguyễn Huệ có hơn 20 người tập trung quanh một nghệ sĩ vẽ tranh đường phố nhưng chỉ không quá 5 người đeo khẩu trang. Cạnh các xe hàng rong mà người bán không đeo khẩu trang, nhiều bạn trẻ ngồi san sát nhau ăn vặt, trò chuyện vui vẻ, khẩu trang kéo xuống cằm hoặc cầm hờ trên tay. Sáng 8.11, rảo quanh các khu chợ truyền thống tại TP.HCM, người đi chợ ngày cuối tuần rất đông nhưng quá nửa không đeo khẩu trang. Tại nhiều điểm chờ xe buýt, hành khách không chỉ không đeo khẩu trang, mà còn thoải mái hút thuốc trong lúc chờ xe tới.

Mùa đông sắp đến lại là thời điểm rất thuận lợi để dịch bùng phát trên thế giới và VN, là cơ hội sinh sôi của các loại vi rút cúm, bệnh đường hô hấp

BS Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng

Kể từ dịch Covid-19 xuất hiện tại VN và trải qua 2 đợt dịch, TP.Đà Nẵng trở thành “tâm dịch” và luôn căng mình ứng phó. Từ cuối tháng 9, toàn TP.Đà Nẵng chuyển trạng thái hoạt động “bình thường mới” do đã kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ngay sau đó ít ngày, không ít người dân bắt đầu có dấu hiệu lơ là, chủ quan, không tuân thủ nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế (gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Ở các chợ truyền thống, ngoài một số tiểu thương không mang khẩu trang, rất nhiều người dân cũng “quên” đeo. Bình sát khuẩn vẫn được đặt ở nhiều vị trí nhưng cũng không mấy ai ngó ngàng tới. Ông Trần Phước Cường, Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, cho biết các chợ vẫn thường xuyên đôn đốc nhưng nhiều người tỏ ý chủ quan. Các trường học cũng bắt đầu xuất hiện những phụ huynh đón con không mang theo khẩu trang khi vào trường, dù nhà trường không ngừng nhắc nhở trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua học sinh.
Tại Hà Nội, mỗi dịp cuối tuần, phố đi bộ hồ Gươm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đón hàng ngàn lượt người đến vui chơi giải trí. Đáng nói, phần lớn người dân cũng không đeo khẩu trang, trong khi “cuộc chiến” với dịch Covid-19 còn rất phức tạp. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngày 7.11 các ngả đường vào tuyến phố đi bộ hồ Gươm được lập hàng rào cứng để hạn chế các loại phương tiện, phục vụ người dân đến vui chơi và tham gia các hoạt động văn hóa giải trí. Tại mỗi chốt, lực lượng chức năng đều gắn các bảng hiệu tuyên truyền về việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí để biển “Bắt buộc đeo khẩu trang khi vào phố đi bộ”, nhưng phần lớn người dân ngó lơ, thản nhiên kéo nhau vào phố mà không đeo khẩu trang. Nhiều người vui chơi tại phố đi bộ hồ Gươm cho rằng phần lớn mọi người không đeo khẩu trang và cũng không có lực lượng chức năng nhắc nhở, dịch cũng đỡ rồi... nên không đeo để… tận hưởng trời thu Hà Nội.
Không để lơ là phòng dịch Covid-19

Nhiều bạn trẻ tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) nhưng không đeo khẩu trang

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Mối lo từ bệnh viện

Bác sĩ (BS) Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe - Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhìn nhận một số người dân TP.HCM còn lơ là trong đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng. Cả BS Yến và BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, đều đưa ra khuyến cáo người dân nếu vào BV hoặc BV để cho người vào mà không đeo khẩu trang là rất nguy hiểm. “Vào BV bắt buộc phải đeo khẩu trang vì môi trường này có nguy cơ nhiều mầm bệnh”, BS Trương Hữu Khanh nói và kiến nghị cần xử phạt nghiêm những người vào BV nhưng không đeo khẩu trang.

Giám sát chặt các khu cách ly

Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đơn vị đang cập nhật, xây dựng kịch bản ứng phó với bất kỳ tình huống nào khi xảy ra dịch Covid-19 trong thời gian tới. Sở Y tế xây dựng 4 tình huống; ở mỗi khu vực, mỗi quận huyện cũng sẽ có những mức độ khác nhau. BS Hưng chỉ đạo trung tâm y tế quận huyện cần tham mưu UBND về kịch bản phòng chống dịch của địa phương trong tình hình mới hiện nay. Ngoài 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì ngành y tế cùng các cơ quan chức năng địa phương giám sát, kiểm tra chặt chẽ ở các khu cách ly, trong đó tập trung tối đa ở khách sạn. Vì nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng hiện nay là ở các khu cách ly.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết thêm hiện nay các khu cách ly tập trung, trừ khách sạn, sẽ giao cho hệ thống quân đội quản lý, điều hành, còn y tế chỉ tham mưu, giám sát, triển khai hoạt động chuyên môn. Ông Dũng đề nghị trung tâm y tế quận huyện tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương bàn giao khu cách ly tập trung về cho quân đội quản lý, điều hành giống như khu cách ly của TP để đảm bảo an ninh, trật tự, phù hợp với tình hình mới.
Duy Tính
Còn BS Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết nếu ở các đợt bùng phát dịch Covid-19, các mũi tập trung khoanh vùng, truy vết, tăng tốc xét nghiệm thì hiện tại đang lo tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng. Cụ thể là giữ cho người dân không chủ quan, tập trung duy trì nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế... “Tinh thần là phải nâng cao cảnh giác, đặc biệt trong bối cảnh dịch trên thế giới đang còn biến động không ngừng. Mùa đông sắp đến lại là thời điểm rất thuận lợi để dịch bùng phát trên thế giới và VN, là cơ hội sinh sôi của các loại vi rút cúm, bệnh đường hô hấp”, bà Thủy chia sẻ.
Tại Hà Nội, khảo sát trong các ngày cuối tuần tại một số BV trên địa bàn cho thấy, bên cạnh những BV duy trì tốt các biện pháp phòng chống dịch như phân luồng, đo thân nhiệt khách, bệnh nhân và người nhà ngay khi qua cổng, nhắc nhở và buộc người vào BV đeo khẩu trang… vẫn còn những nơi có biểu hiện lơ là. Tại BV Bạch Mai, nơi từng ghi nhận ổ dịch Covid-19, mỗi ngày vẫn tiếp nhận hàng ngàn lượt người ra vào nhưng việc đo thân nhiệt từ “vòng gửi xe” đã không còn được duy trì như trước. Nhiều người bệnh và người nhà khi đến BV cũng xao nhãng việc đeo khẩu trang phòng dịch hoặc đeo... cho có. Tại một số khu vực chung của BV, việc thực hiện các biện pháp đơn giản nhất, cơ bản nhất của phòng chống dịch như đeo khẩu trang và sát khuẩn tay hầu như chỉ phụ thuộc vào sự tự giác của các cá nhân, do không có các lực lượng thường trực nhắc nhở thực hiện. Riêng các khu điều trị nội trú bệnh nhân nặng như điều trị tích cực, BV Bạch Mai vẫn duy trì, thực hiện nghiêm ngặt nhiều tháng nay quy định không thăm bệnh nhân, người nhà không ở lại trong khu điều trị.
Không để lơ là phòng dịch Covid-19

Nhiều người vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng không mang khẩu trang

Anh: Thúy Anh

Nguy cơ dịch trở lại rất cao

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), lưu ý mặc dù tỷ lệ điều trị khỏi từng lên đến 96,4%, nhưng Covid-19 vẫn là căn bệnh mới, chưa thể hiểu đầy đủ về độc lực của vi rút, các diễn biến lâm sàng, khả năng miễn dịch, trong khi đó bệnh lại lây nhiễm cao, chưa có thuốc điều trị. “Đặc biệt, việc điều trị Covid-19 vẫn khó khăn do còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ của BV về mức độ nguy hiểm; tâm lý chủ quan “ngủ quên” trên chiến thắng”, ông Khuê nhấn mạnh.
Không để lơ là phòng dịch Covid-19

Chợ Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) rất tấp nập, nhưng nhiều người mua và bán đều không đeo khẩu trang

ẢNH: NHẬT LINH

Ông Khuê yêu cầu các BV luôn duy trì việc thực hiện các tiêu chí BV an toàn phòng chống Covid-19. Bộ Y tế sẽ có các đợt kiểm tra, trong đó an toàn phòng chống dịch Covid-19 là tiêu chí đánh giá, chấm điểm BV; sẽ tạm dừng hoạt động các cơ sở/cá nhân không an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, để tiếp tục duy trì những thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần nâng cao và thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế, cơ sở y tế cần tranh thủ thời gian dịch ổn định, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tuyến cơ sở về kiểm soát nhiễm khuẩn...; nâng cao năng lực sử dụng trang thiết bị y tế, máy thở, điều trị ca nặng cho các BV. “Trong thời gian tới, các sở y tế và BV cần tiếp tục rà soát, xác định rõ các nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.