Không để dịch chọc thủng các khu công nghiệp

13/05/2021 04:52 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo để xảy ra dịch bệnh trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngày 12.5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, họp trực tuyến với TP.Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, sau khi các địa phương này ghi nhận một số ca nhiễm trong khu công nghiệp (KCN).

KHẨN: Đà Nẵng thêm 42 ca dương tính Covid-19, F2 đã "nhảy" lên thành F0

“Không ngừng sản xuất rồi để công nhân về địa phương”

Dù còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ở các KCN, nhưng lãnh đạo 3 địa phương nêu trên đều khẳng định cơ bản đã khoanh vùng, cách ly được các ổ dịch, tiếp tục khẩn trương truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm (XN) các trường hợp F1, F2. Tới đây, các địa phương sẽ tăng tốc lấy mẫu, XN, cố gắng không để lan rộng ra các cơ sở công nghiệp.
Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) kiểm tra thân nhiệt công nhân trước mỗi ca làm việc Ảnh: Đỗ Quyên

Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) kiểm tra thân nhiệt công nhân trước mỗi ca làm việc

Ảnh: Đỗ Quyên

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương Giang cho biết hiện một số địa phương thành lập chốt chặn buộc xe đưa đón công nhân (CN) của nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bắc Ninh phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất, dù các xe chỉ sử dụng 50% số ghế ngồi và mỗi xe không quá 20 người, cũng như thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh như đo thân nhiệt, khử khuẩn… Bà Giang đề xuất gửi danh sách các xe đi theo tuyến cho các tỉnh liên quan để hỗ trợ DN trong việc đưa đón CN, chuyên gia. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết sẽ chỉ đạo công an địa phương tham mưu cho Ban chỉ đạo (BCĐ) rà soát lại, vì “xe đưa đón CN chỉ chạy qua chứ không dừng lại, trong phòng, chống dịch cũng không có quy định nào như vậy”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các địa phương chống dịch nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”. Trước mắt, các địa phương đang có dịch, các KCN đang có dịch gửi văn bản các địa phương mà xe đi qua (nói rõ số xe, tuyến đường) để được di chuyển thuận lợi, không được để ách tắc. Phó thủ tướng giao Bộ TT-TT nghiên cứu giải pháp kiểm soát toàn bộ hành trình của các xe đưa đón CN, ô tô ra vào KCN, phục vụ cho công tác truy vết, theo dấu ca bệnh. Các tỉnh/TP phải làm việc sát với DN ở trong KCN và cả khu vực bên ngoài mà có đông CN, siết chặt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Các DN phải được phổ biến và huy động cùng tham gia thực hiện XN sàng lọc định kỳ, từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn.
“Khi có dịch thì chúng ta chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, tránh tình trạng khi một nhà máy có dịch thì dồn tất cả CN vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời tránh tình trạng cực đoan là cảm thấy nguy cơ có dịch là DN tạm ngừng sản xuất, để CN về địa phương, rất nguy hiểm”, ông Đam lưu ý.

Sáng 13.5: Thêm 33 ca Covid-19 cộng đồng ở Đà Nẵng, Hà Nội và 3 địa phương khác

Xung yếu chỉ đứng sau bệnh viện

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tất cả các KCN, chủ DN phải ký cam kết phòng, chống dịch với BCĐ địa phương, có bộ phận đầu mối theo dõi công tác phòng chống dịch. Những đơn vị không ký cam kết, không có đầu mối, không thực hiện thì phải dừng hoạt động cho đến khi bổ sung đầy đủ theo quy định.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý thêm BCĐ đã nhiều lần thống nhất, xung yếu nhất trong phòng, chống dịch bệnh là bệnh viện (BV), sau đó đến các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt trong KCN. Theo ông Đam, quanh các KCN có nhiều xóm trọ, khu trọ CN rất chật chội, đông đúc. Chợ, cơ sở dịch vụ ở những khu này có mật độ dày đặc, xe đưa đón CN rất nhiều nên đây là khu vực mà BCĐ đã nhắc nhở rất nhiều lần về việc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Phó thủ tướng đề nghị tất cả các địa phương cả nước phải chỉ đạo, quán triệt các DN, nhà máy, xí nghiệp, các KCN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tự đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, cập nhật định kỳ lên hệ thống an toàn Covid-19 (antoancovid.vn). Phó thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương phải quán triệt thật sâu sát đến các địa phương rằng, để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để "thủng" các KCN.

Căng thẳng vì 30 ca Covid-19 tại KCN An Đồn chưa rõ nguồn lây ở Đà Nẵng

Covid-19 đã 2 lần “rình rập” tấn công vào các KCN của Hà Nội

Chiều 12.5, trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý (BQL) các KCN-KCX Hà Nội, cho biết trong đợt dịch thứ 4 này, Covid-19 đã 2 lần “rình rập” tấn công vào các KCN của Hà Nội, trong đó, một lần liên quan đến BN 2899 tại Hà Nam đã có 2 CN mắc Covid-19; và một lần liên quan đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 với hàng trăm CN thuộc diện có tiếp xúc. Hôm 30.4, ngay khi 2 BN Covid-19 liên quan đến KCN Thăng Long (với khoảng 70.000 CN) được phát hiện, 2 DN đã cho dừng dây chuyền sản xuất liên quan đến các CN này để rà soát tiếp xúc. Nhờ việc làm triệt để và kịp thời này, dịch đã được khoanh vùng kịp thời, không lây lan rộng hơn.
Hôm 5.5, sau khi BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 bị phong tỏa, BQL KCN-KCX và chính quyền H.Đông Anh cũng đã lập tức liên lạc với các DN qua đường dây nóng, đề nghị tạm dừng sản xuất toàn bộ số DN trong KCN, CN ở đâu ở yên đó, để rà soát những người từng ra vào BV, tiếp xúc với người tiếp xúc… Hàng trăm người liên quan đã được ghi nhận, khuyến cáo các biện pháp phòng dịch phù hợp. Chính vì vậy, trong lần này, các KCN của Hà Nội may mắn không ghi nhận ca bệnh nào.
Tuy vậy, các KCN vẫn là nỗi lo của cơ quan chức năng Hà Nội. Chính quyền H.Đông Anh, nơi có nhiều KCN tọa lạc, vẫn luôn “thấp thỏm” về việc dịch tấn công vào khu vực này, và liên tục kiến nghị về việc phải có cơ chế phối hợp tốt hơn giữa địa phương và các KCN, đặc biệt là các yêu cầu về 4 tại chỗ, để có thể phản ứng kịp thời với diễn biến dịch bệnh.

Bắc Giang dốc toàn lực kiểm soát ổ dịch 90.000 công nhân

Các KCN với hàng trăm nghìn CN đang có nguy cơ cực lớn trở thành “ổ dịch” Covid-19, nên Bắc Giang đang dốc toàn lực để kiểm soát bằng được những điểm nóng này. Thông tin từ BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến trưa 12.5, Bắc Giang ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên con số 79. Số ca nhiễm mới đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch ở Công ty TNHH Shin young Việt Nam, KCN Vân Trung (H.Việt Yên). Liên quan ổ dịch này, hiện đã có 75 ca dương tính. BCĐ đã thiết lập vùng cách ly y tế tại 25 thôn, xóm, tổ dân phố, thực hiện giãn cách xã hội ở 18 xã, phường, thị trấn và 6 tổ dân phố, thôn, xóm.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết: “Đây là ổ dịch rất phức tạp do CN tập trung đông (90.000 người - PV)”.
Đến ngày 12.5, Bắc Giang đã lấy được gần 24.000 mẫu XN của các F1, F2, CN liên quan đến 75 ca dương tính, liên quan đến ổ dịch KCN Vân Trung. Đồng thời, phong tỏa khu có đông CN ở trọ (khoảng 15.000 người, trong đó đã lấy mẫu CN và cho kết quả âm tính của 4.000/8.000 mẫu, các mẫu còn lại sẽ sớm có kết quả).
Đánh giá mức độ nguy hiểm của đợt dịch, BQL KCN tỉnh này đã nhanh chóng mở rộng XN trên diện rộng tại cả những KCN chưa có ca bệnh nhưng có nguy cơ lây nhiễm và các ca F1; lấy mẫu 100% lao động tại các DN có ca nhiễm (F0) và F1. Riêng Công ty TNHH Vina Solar Technology (KCN Vân Trung) xác định có 2 F0 liên quan đến ổ dịch tại KCN, hiện có hơn 1.000 CN đã thực hiện cách ly tại nhà; 430 người liên quan trực tiếp đã được lấy mẫu XN.
Lấy mẫu XN Covid-19 cho công nhân Công ty CP may xuất khẩu Hà Bắc chi nhánh Minh Đức (H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)

Lấy mẫu XN Covid-19 cho công nhân Công ty CP may xuất khẩu Hà Bắc chi nhánh Minh Đức (H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)

Trong khi đó, CTCP may xuất khẩu Hà Bắc chi nhánh Minh Đức (H.Việt Yên) cũng đã chủ động triển khai, hoàn thành lấy mẫu XN cho 100% CN (khoảng 1.500 người) thuộc xí nghiệp 1 và bộ phận giao hàng thường xuyên phải đi lại.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng BQL các KCN tỉnh Bắc Giang, cho biết qua rà soát bước đầu, có khoảng 90.000 CN ở KCN Vân Trung có nguy cơ cao lây nhiễm sẽ được DN tổ chức lấy mẫu XN. Ngoài KCN Vân Trung, trong chiều 12.5, có thêm khoảng 23.000 CN tại một số DN được XN Covid-19.

Bắc Ninh lập tổ công tác trong KCN hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Bắc Ninh, đến ngày 12.5, đã có 3 DN có ca nhiễm Covid-19, gồm: Công ty TNHH Samsung Electronics VN (SEV) tại KCN Yên Phong (H.Yên Phong); Công ty TNHH Công nghệ Johnson Health Việt Nam (KCN Thuận Thành 2) và Công ty TNHH Canon VN (KCN Quế Võ).

Thêm 82 bệnh nhân Covid-19 do lây nhiễm trong nước

Ngày 12.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 86 ca mắc Covid-19 mới (4 ca nhập cảnh và 82 ca mắc ghi nhận trong nước). 82 ca mắc do lây nhiễm trong nước gồm Đà Nẵng 27 ca, Bắc Giang (17), Vĩnh Phúc (13), Hà Nội (8), BV Bệnh nhiệt đới T.Ư (tại Hà Nội) 6 ca, Bắc Ninh 5 ca. 6 tỉnh khác gồm: Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ và Lạng Sơn, mỗi tỉnh ghi nhận 1 ca. Các bệnh nhân Covid-19 mới trong nước đều được ghi nhận trong khu cách ly, khu đã phong tỏa, không phát hiện các ổ dịch Covid-19 mới.
Lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng. Trong đó, đã truy vết, rà soát được 49 F1; 1.166 F2 liên quan đến ca nhiễm tại Công ty SEV, lấy mẫu XN cho 1.160 F1, F2 và CN của công ty, đều đã có kết quả âm tính. Liên quan ca nhiễm tại Công ty TNHH công nghệ Johnson Health Việt Nam, đã truy vết, rà soát được 27 F1, 589 F2, lấy 2.800 mẫu XN và đang chờ kết quả. Riêng ca nhiễm tại Công ty TNHH Canon VN đã rà soát truy vết được 40 F1; 533 F2; lấy 1.998 mẫu XN, phát hiện 2 ca dương tính.
Liên quan 2 ca nhiễm này, hôm qua, Bắc Ninh đã có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ khu ký túc xá Công ty TNHH Canon VN và chung cư nhà ở xã hội Quế Võ Hillview với tổng số phòng là 396 phòng và 1.300 nhân khẩu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Thời gian cách ly 14 ngày, tính từ 10 giờ ngày 12.5, tùy theo diễn biến dịch thời gian cách ly có thể dài hơn.
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho hay đến nay đã có 6/8 huyện, thị xã, TP có dịch. Bắc Ninh đang khẩn trương thành lập tổ công tác trong KCN hỗ trợ cho các DN, đồng thời, thành lập tổ truy vết do công an chủ trì.

Đà Nẵng truy vết gần 10.000 người

Suốt 2 ngày đêm 11 và 12.5, TP.Đà Nẵng đã truy vết xuyên đêm để khoanh vùng, kiểm soát dịch Covid-19 khi phát hiện chùm ca nhiễm cộng đồng phát hiện tại KCN An Đồn. Số người được khoanh vùng kiểm soát, lấy mẫu XN trong 2 ngày qua đã lên đến gần 10.000 người. Đây là những người thường xuyên ra vào, làm việc tại KCN An Đồn.
Đêm 11.5 rạng sáng 12.5, y tế dự phòng Q.Sơn Trà và Tiểu đoàn Phòng hóa 78 (Quân khu 5) cũng đã phun khử khuẩn toàn bộ KCN An Đồn vùng các khu dân cư xung quanh KCN.

Tất cả BV TP.HCM lấy mẫu XN nhân viên, bệnh nhân ngay trong đêm 12.5

Chiều tối 12.5, Sở Y tế TP.HCM thông báo yêu cầu tất cả BV trực thuộc lấy mẫu XN toàn bộ nhân viên y tế trực, bệnh nhân nội trú và thân nhân đang ở tại BV ngay trong đêm. Sau đó, các BV cũng phải tiếp tục lấy mẫu số nhân viên còn lại.
Cùng ngày, UBND TP.HCM giao Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các đơn vị, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thiết lập lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên các tuyến đường bộ, đường thủy, cửa ngõ vào TP, thời gian áp dụng từ 0 giờ 15.5. Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết dự kiến sẽ lập 12 chốt ở các tuyến đường huyết mạch kết nối với 4 tỉnh giáp ranh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Các chốt dự kiến gồm: trạm thu phí Long Phước, cao tốc Trung Lương, đường Ba Làng, tỉnh lộ 10, đường Xuyên Á (QL22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, QL1K, QL50, QL1, cầu Đồng Nai. Dự kiến, mỗi điểm có 4 CSGT luân phiên chốt trực cùng các lực lượng khác như y tế, thanh tra giao thông…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.