'Không để chủ đầu tư chung cư đẩy chính quyền vào thế đương đầu với dân'

Vũ Hân
Vũ Hân
01/12/2018 19:37 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu Sở Xây dựng đề xuất cơ chế quản lý chung cư bằng con mắt chiến lược, “đặc biệt không để xảy ra tình trạng các chủ đầu tư đẩy thành phố vào thế đương đầu với dân".

Cưỡng chế chủ đầu tư vi phạm là cần thiết
Làm việc tại Sở Xây dựng sáng 1.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu Sở này phải tham mưu cách quản lý tốt hơn với nhà chung cư, thay vì chạy theo để xử lý như hiện nay.
Ông Hoàng Trung Hải cho rằng đối với Hà Nội, “chung cư là không thể thiếu được, vì chúng ta đất chật người đông”. Hiện nay Hà Nội có 950.000 dân ở chung cư, theo ông Hoàng Trung Hải, đến 2030, thành phố sẽ có thêm 1,5 triệu người nữa ở chung cư. Như vậy, thành phố có 2,5 triệu dân ở chung cư trên tổng số 10 triệu dân, thì không phải là một số lượng nhỏ.
Theo ông Hải, dù có nhiều quan điểm khác nhau về chính sách phát triển nhà của Hà Nội, trong đó có ý kiến cho rằng vì Hà Nội cứ xây nhà nên người dân ngoại tỉnh mới đổ về, nhưng thành phố vẫn sẽ phải phát triển nhà ở. Có như vậy, Hà Nội mới bỏ dẹp được nhà ổ chuột, đảm bảo được chỗ ở cho nhu cầu của người dân.
Do đó, ông Hải yêu cầu Sở Xây dựng “phải nhìn chung cư bằng con mắt chiến lược để quản lý nó, giải quyết các vấn đề xung quanh như dịch vụ, chung cư xuống cấp, bãi đỗ xe, phòng cháy chữa cháy... và phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững”.
“Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng các chủ đầu tư chung cư đẩy thành phố vào thế đã rồi, phải đương đầu với dân. Chung cư không đủ điều kiện gì cả, chữa cháy không đủ, nước không đủ, hàng lang không đủ... cứ để dân vào ở rồi kiện cáo. Phải có cách quản lý chứ nếu không cứ chạy theo suốt. Mà vừa rồi đã phải chạy theo rồi”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh và cho biết mình “rất đồng tình” với việc vừa rồi Sở Xây dựng ra quyết định cưỡng chế với các chủ đầu tư cố tình vi phạm.
Ông Hải cũng yêu cầu tiếp tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là các vi phạm tồn đọng. Theo ông Hải, phải tạo ra được nếp tuân thủ pháp luật với người dân, nếu không sẽ phải chạy theo xử lý vi phạm hết năm này đến năm khác, vì “bất cứ công trình xây dựng nào cũng mong muốn lấn ra một ít, không lấn được thì đua ra, lờ đi thì đua ra nhiều, bị nhắc thì đua ra ít”.
Đừng nói với dân thành phố ngập do biến đổi khí hậu
Về hạ tầng đô thị, Bí thư Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng về năng lực thoát nước và xử lý rác thải của thành phố. Nhắc đến đợt ngập lụt vừa rồi của TP.Hồ Chí Minh, ông Hải lưu ý hiện Hà Nội mới tiêu thoát được lượng mưa 310 mm/2 ngày đêm, nên mưa 200 mm/ngày đêm là Hà Nội đã “chết dở” rồi, chứ chưa nói mưa 400 mm như TP.Hồ Chí Minh.
“Mình đổ thì dễ lắm, nhưng nói với người dân ngập do biến đổi khí hậu người dân lại phê bình cho, vì trách nhiệm của quản lý nhà nước là phải dự báo”, Bí thư Hải nói.
Về xử lý rác thải, ông Hải cũng lưu ý là Hà Nội “không có chỗ lùi đâu và phải thấy là chúng ta còn làm chưa tốt”.
“Các đồng chí thấy lũ lụt Chương Mỹ không? Lũ lên cái đầu tiên chúng ta thấy là gì? Thấy rác. Lúc đấy mới biết hóa ra rác tồn ở nông thôn còn nhiều. Chúng ta thải ra 110 tấn rác 1 ngày mà giải quyết được có 70 tấn, còn tồn 40 tấn/ngày thì chỉ chục ngày đã 400 tấn rồi. Những việc nhỏ như thế phải thấy rằng mình rất có lỗi và phải xử lý bằng được”, ông Hải nhắc nhở.
Đối với các nhà máy xử lý rác thải đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng, ông Hoàng Trung Hải yêu cầu Sở Xây dựng phải đôn đốc để các dự án vào đúng thời hạn, có thể vận hành tốt. Sở được yêu cầu rút kinh nghiệm dự án Phương Đình, "cũng hội đồng nọ hội đồng kia thẩm định, nhưng giờ đóng cửa để đấy không xử lý được rác".
“Nghĩ rằng đây là của tư nhân, họ phải chịu. Không phải! Chúng ta phải chịu. Tôi ngồi đợi ông xây dựng bao nhiêu năm để lấy chỗ đổ rác, giờ nhà máy không vào thì rác tôi đổ đi đâu? Gọi là của tư nhân, nhưng nó là của chúng ta vì chúng ta phải chịu trách nhiệm với dân về chỗ đổ rác”, ông Hải nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.