Không có thỏa thuận nào đạt được tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

28/02/2019 07:36 GMT+7

Gần 13 giờ rưỡi chiều nay, 28.2, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong - un kết thúc cuộc hội đàm mà không dự bữa trưa cùng nhau như dự kiến, khiến tất cả những ai theo dõi sát sao diễn biến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 bất ngờ.

[VIDEO] Tổng thống Trump nói về 2 ngày thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
Cuộc họp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã rút ngắn 2 tiếng so với dự kiến trước đó. Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim rời bàn đàm phán sớm. Ngay lập tức, Nhà Trắng xác nhận với AP: chưa có thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên.
"Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã có cuộc thảo luận hiệu quả và mang tính xây dựng tại Hà Nội, Việt Nam trong 2 ngày 27-18.2. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về nhiều vấn đề liên quan đến việc phi hạt nhân hóa và kinh tế. Lúc này chưa có thỏa thuận nào đạt được nhưng hai bên sẽ mong đợi các cuộc gặp trong tương lai", AP dẫn thông báo từ Nhà Trắng viết.
Buổi họp báo riêng của Tổng thống Trump tại khách sạn Marriott cũng đã được dời lên sớm 2 giờ, vào lúc 14 giờ, thay vì 16 giờ như trước, để Tổng thống Trump rời đi sân bay ngay sau đó.
Sự thay đổi đột ngột này so với lịch trình dự kiến trước đó cũng khiến cho giới báo chí có mặt phòng họp báo ở khách sạn Marriot do phía Mỹ tổ chức ngỡ ngàng. Theo tờ The Guardian, các phóng viên tại hiện trường lúc đó hết sức hoang mang vì không ai biết điều gì đã xảy ra trong cuộc đàm phán và diễn biến tiếp theo sẽ ra sao. Trong khi các phóng viên Nhà Trắng đã được đưa lên xe thuộc đoàn xe phái đoàn Mỹ để rời nơi tổ chức hội nghị.
Bất ngờ là bởi, chỉ mấy tiếng trước đó, không khí thân thiện, những phát ngôn mang tính cởi mở, ngợi ca đầy thiện chí giữa hai nhà lãnh đạo đã khiến giới quan sát tin rằng, giữa hai bên sẽ đạt được thỏa thuận quan trọng tại cuộc gặp này.
Xe của Tổng thống Trump rời khách sạn Metropole lúc 13 giờ 28 phút. TRẦN CƯỜNG
Ngay từ lúc bắt đầu hội nghị thượng đỉnh song phương, hai nhà lãnh đạo ngồi cạnh nhau với vẻ thân thiện, thường xuyên mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt nhau và dành cho nhau những lời tốt đẹp.
Tổng thống Trump nói ông hài lòng với tốc độ đàm phán diễn ra, mặc dù có một số lời chỉ trích rằng diễn tiến vẫn chưa đủ nhanh. Ông đồng thời cảm ơn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - un về việc dừng thử tên lửa và hạt nhân. Chủ tịch Kim khẳng định sẽ “nỗ lực hết mình để đạt được kết quả tốt”.
Đáp lại, Chủ tịch Kim Jong - un nói rằng “một số người chờ đợi buổi gặp này, một số người nghi ngờ, nhưng tôi tin rằng tất cả họ đều chờ đợi giây phút chúng tôi ngồi cạnh nhau. Chúng tôi đã rất nỗ lực, và tôi nghĩ giờ đã đến lúc chúng tôi đến Hà Nội, ngồi cạnh nhau và có một buổi hội đàm tuyệt vời”.
Nhấn mạnh một lần nữa sự tôn trọng của mình cho Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong-un cũng như tiềm năng kinh tế lớn của Triều Tiên, Tổng thống Trump tái khẳng định: “Tôi đã nói rất nhiều lần tốc độ (hàm ý không vội vã với vấn đề phi hạt nhân hóa) không quá quan trọng với tôi, tôi trân trọng việc không còn vụ thử hạt nhân nào nữa. Tôi và Chủ tịch Kim đã có buổi nói chuyện tuyệt vời về vấn đề này tối qua. Hãy để Chủ tịch Kim nói với các bạn nếu ngài ấy muốn, nhưng chúng tôi đã nói về hạt nhân tối qua. Tôi không vội vã. Chúng tôi đã có những tiến triển tốt, tôi trân trọng điều đó”.
Cụm từ "không vội vã" được Tổng thống Trump lặp đi lặp lại rất nhiều lần, và ông khẳng định: "Chúng tôi chỉ muốn có một thỏa thuận hợp lý".
Thậm chí, khi được hỏi kỳ vọng gì về hội nghị này, Chủ tịch Kim nói qua phiên dịch viên rằng còn quá sớm để để cập song ông có trực giác rằng kết quả sẽ tốt. Đây có lẽ là lần đầu tiên Chủ tịch Kim Jong-un trả lời trực tiếp một phóng viên nước ngoài.
Hai nhà lãnh đạo cùng phiên dịch trong khuôn viên khách sạn. CHỤP TỪ CLIP REUTERS

Thảo luận “rất thành công”

Cũng trước đó, sau cuộc trao đổi kín kéo dài khoảng 15 phút, khi cùng nhau đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole, khi nghe câu hỏi liệu Mỹ có thể mở văn phòng đại diện ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hay không, Tổng thống Trump nhắc lại câu hỏi và nói ông "rất hứng thú được nghe câu trả lời". Đáp lại, Chủ tịch Kim Jong - un hoan nghênh Mỹ mở văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Jong-un cũng khẳng định nếu không sẵn lòng từ bỏ hạt nhân, ông đã không đến Hà Nội. Ngay lập tức, Tổng thống Trump phản hồi: "Đây có thể là câu trả lời tuyệt nhất các bạn từng được nghe".
Thế nhưng, khi trả lời báo giới tại cuộc họp báo sau khi rời hội nghị thượng đỉnh về khách sạn Marriott, ông Trump đã cho hay hai bên chưa đạt được thỏa thuận nào vì liên quan đến mong muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận từ phía Triều Tiên chưa thể đáp ứng ở thời điểm này.
Phiên họp mở rộng giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cùng quan chức hai bên. REUTERS
Tại cuộc họp diễn ra lúc 11 rưỡi trưa, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong - un bắt đầu ngồi vào vị trí để vừa dùng tiệc trưa, vừa làm việc. Tổng thống Trump một lần nữa nhấn mạnh sẽ không có kết quả ngay tức thời nhưng bày tỏ sự tin tưởng rằng CHDCND Triều Tiên có thể đạt được “thành công vang dội” dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un.
Tờ The Guardian dẫn lời Tổng thống Trump nhắc lại quan điểm Triều Tiên có thể có một tương lai tươi sáng và khẳng định các cuộc thảo luận "rất thành công". Phát biểu được đưa ra khi ông cùng Chủ tịch Kim trả lời báo giới sau phiên họp song phương mở rộng.

Thượng đỉnh lần 2 đã có thể “mang lại cơ hội lớn”

Sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Báo chí quốc tế hôm nay thông tin cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều theo dõi sát sao diễn biến của cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại thủ đô yêu chuộng hòa bình của Việt Nam.
Trước khi có thay đổi bất ngờ diễn biến đàm phán trưa nay, báo chí đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết sẽ tiết lộ đề nghị chi tiết mới của ông về tương lai của bán đảo Triều Tiên vào ngày mai 1.3, theo Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước quốc hội: “Tôi tin tưởng rằng Tổng thống Trump sẽ đề cập quan điểm của tôi về vấn đề giải giới hạt nhân và những vụ bắt cóc công dân Nhật Bản khi làm việc với Chủ tịch Jong-un”.
Phái đoàn Mỹ và Triều Tiên họp tại khách sạn Metropole AFP
Hãng thông tấn Yonhap gọi tuyên bố chung dự kiến được Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim ký kết vào khoảng 14 giờ chiều nay là "Tuyên bố Hà Nội", song nội dung các thỏa thuận trong tuyên bố chung vẫn đang là ẩn số.
Phát biểu tại hội nghị bàn tròn do Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ tổ chức tại Washington D.C, ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhận định việc tháo dỡ hoàn toàn trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đã đủ để các bên thả lỏng cấm vận đối với nước này. Ông cho rằng đây là “bước đi đầu tiên của một quá trình không thể đảo ngược” trong nỗ lực giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cơ sở hạt nhân Yongbyon, được cho là chiếm từ 50 đến 70% năng lực hạt nhân của Triều Tiên, cũng là nơi đặt toàn bộ các lò phản ứng của nước này, theo Yonhap.
Triều Tiên thay người thông dịch cho Chủ tịch, sau thượng đỉnh lần 1
Nếu bà Yun-hyang Lee (62 tuổi) tiếp tục được lựa chọn phiên dịch cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh lần 2, sau lần 1 diễn ra tại Singapore, thì thông dịch viên cho Chủ tịch Kim Jong - un lần này lại là bà Sin Hye-yong, thay vì ông Kim Ju-song, nhân viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên, như tại hội nghị thượng đỉnh lần 1.
Bà Yun-hyang Lee trở thành phiên dịch viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2008, sau đó trở thành người đứng đầu Bộ phận thông dịch của cơ quan này. Bà từng làm việc cho chính quyền các cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush và Barack Obama. Các lãnh đạo Mỹ thường gọi bà là tiến sĩ Lee.
Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore, bà Yun-hyang Lee cũng là người phiên dịch cho Tổng thống Trump.
Em gái Chủ tịch Kim tại khách sạn Metropole ĐẶNG PHƯƠNG
Trong khi đó, cho đến thời điểm này, thông tin về bà Sin Hye-yong, người được chọn thông dịch viên cho Chủ tịch Kim Jong - un tại hội nghị thượng đỉnh lần 2 này, vẫn còn là một ẩn số đối với công chúng bên ngoài Triều Tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.