'Không có bình đẳng tuyệt đối giữa Nhà nước và nhà đầu tư PPP'?

Vũ Hân
Vũ Hân
28/05/2020 17:44 GMT+7

Nội dung được tranh luận gay gắt nhất khi các đại biểu thảo luận về dự án luật PPP sáng 28.5, là việc Kiểm toán Nhà nước có kiểm toán toàn bộ dự án này, hay chỉ kiểm toán phần vốn công góp vào đây.

Kiểm toán toàn bộ hay chỉ phần vốn công?

Rất nhiều đại biểu như Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cần phải kiểm toán toàn bộ dự án.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Nhà nước là chủ thể đặc biệt trong dự án PPP, vì nhà nước không chỉ là một bên trong hợp đồng dự án, mà còn “là chủ cuộc chơi, tức là chủ thể của các quan hệ pháp luật”. Luật chơi nhà nước đặt ra khác với các quan hệ dân sự kinh tế bình thường khác.
Thêm vào đó, khách thể ở đây đó là lợi ích quốc gia, lợi ích nhà nước.
“Khi đã hạ bút ký kết (hợp đồng) thì nhà nước và đối tác tư là bình đẳng, nhưng quá trình thỏa thuận thì quyền vượt trội là nhà nước. Bởi vì nhà nước là bên đặt hàng, đưa ra các yêu cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, đưa ra các quy trình. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước, với tư cách là một cơ quan bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo vệ sự khách quan giữa các bên, phải có quyền tham gia từ giai đoạn đầu, tức là tiền kiểm toán, cho đến quá trình tổ chức thực hiện và kể cả kết thúc hợp đồng”.
“Vấn đề bình đẳng ở đây là gì? Là quá trình ký kết hợp đồng, đối tác tư nhân có quyền trao đổi, thỏa thuận lại, và khi có tranh chấp xảy ra thì có thể bằng con đường tố tụng ở tòa án. Để bảo đảm sự ngang bằng, thì tôi cho rằng, nếu như nhà nước có quyền yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm toán giá trị hợp đồng, thì tư nhân cũng có quyền yêu cầu kiểm toán độc lập kiểm toán", đại biểu Vân giải thích thêm, và cho rằng “mục đích tối thượng của hợp đồng đối tác công - tư chính là lợi ích nhà nước, và ở đây, yếu tố an ninh kinh tế, an ninh quốc gia phải đặt lên hàng đầu, cho nên không thể có sự bình đẳng tuyệt đối trong quan hệ này”.
Tranh luận với 4 đại biểu phát biểu trước mình đều ủng hộ Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, Quốc hội đang làm luật PPP là hợp tác công - tư, chứ không phải luật Đầu tư công.
“Từ triển khai dự án đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao tới nhà nước, thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước, thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu đặt vấn đề chúng ta kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý”, đại biểu Sinh nêu quan điểm.
Theo đại biểu, ngoài phần vốn công được kiểm toán toàn bộ, Nhà nước chỉ nên kiểm soát chất lượng đầu ra, như con đường dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, đảm bảo tốc độ bao nhiêu… còn việc doanh nghiệp làm thế nào để ra sản phẩm đó là việc của họ.
Dự án luật đã được thiết kế đảm bảo yêu cầu này, thể hiện ở việc Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tuân thủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; kiểm toán đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra cung cấp cho xã hội; và kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.
“Tôi cho rằng, cách thiết kế như vậy vừa đúng với Hiến pháp vừa đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của nhà nước và đảm bảo quyền lợi của nhân dân”.
Cũng nhất trí về việc Kiểm toán Nhà nước có vai trò để đảm bảo tài sản nhà nước không bị thất thoát, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tham gia các dự án PPP.

“Không chỉ có Kiểm toán Nhà nước phát hiện thất thoát, lãng phí”

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án PPP là một dự án có mục tiêu công và nguồn đầu tư là công - tư, nên nó không hẳn là một dự án đầu tư công như một số đại biểu hiểu, bởi vì nếu là dự án đầu tư công thì đã thực hiện theo luật Đầu tư công, chứ không phải xây dựng luật này.
“Chúng tôi hoàn toàn thống nhất là cần phải có Kiểm toán Nhà nước, nhưng kiểm toán gì, kiểm toán nội dung nào và kiểm toán ở thời điểm nào thì chúng tôi thống nhất là chúng ta chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng dịch vụ và giá trị khi chuyển giao cho nhà nước. Còn lại là tư nhân họ còn có một quyền là thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp, để đảm bảo bình đẳng giữa 2 bên. Các nội dung thiết kế trong dự thảo Luật đã bảo đảm bảo được chống thất thoát các tài sản của nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
“Xin thưa những biểu hiện thất thoát, lãng phí của nhà nước, không phải chỉ có cơ quan Kiểm toán nhà nước phát hiện, còn có thanh tra, kiểm toán độc lập, còn có công an và rất nhiều các công cụ khác, các cơ quan khác cùng tham gia vào quá trình để kiểm soát, chứ không phải một kết quả của Kiểm toán nhà nước”, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.