Khốn khổ vì bị ngăn khoan giếng lấy nước

26/06/2019 12:12 GMT+7

Nhiều hộ dân ở ấp Tân Xuân, xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai) bị một nhóm người “chặn đứng” việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng dù UBND tỉnh Đồng Nai không cấm.

Không được khoan giếng nên người dân ấp Tân Xuân đành phải đi xin nước hoặc hứng nước mưa để sinh hoạt. Nhiều người phải đóng cửa nhà, bán vườn rẫy đi nơi khác sinh sống.

Tỉnh cho nhưng bị ngăn chặn

Khốn khổ vì không được khoan giếng, thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu trầm trọng

Năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 884 về việc phê duyệt vùng cấm khai thác nước dưới đất, vùng cấm xây mới công trình phục vụ khai thác nước dưới đất...
Theo quyết định này thì xã Bảo Bình (H. Cẩm Mỹ) không nằm trong vùng cấm khoan giếng, khai thác nước ngầm. Và nhiều người dân được UBND xã Bảo Bình cấp phép khoan giếng. Thế nhưng, khi giàn khoan vừa đặt xuống thì một số hộ dân khác kéo đến không cho khoan.
Ông Mai Văn Lý (57 tuổi, ngụ ấp Tân Xuân) cho hay: “Khi khoan tại rẫy nhà tôi được hơn 30 m thì một số hộ dân kéo đến ngăn lại. Không có nước tưới nên rẫy bơ, tiêu và sầu riêng cứ xơ xác và chết dần chết mòn. Những cây còn sống thì cũng trụi lá và rụng hết quả. Quanh nhà tôi, nhiều hộ phải bỏ hoang nhà và rẫy đi nơi khác sống. Giếng không cho khoan, nước không có dùng, gia đình chúng tôi chả biết sống ra sao nữa”, ông Lý bức xúc.
 Ông Mai Văn Lý cho hay, do thiếu nước tưới nên cây ăn quả trong rẫy bị chết dần chết mòn, rụng trái - ẢNH: MẠNH TRƯỜNG

Ông Mai Văn Lý cho hay, do thiếu nước tưới nên cây ăn quả trong rẫy bị chết dần chết mòn, rụng trái

ẢNH: MẠNH TRƯỜNG

Theo người dân, các tổ khác trong ấp Tân Xuân thì được khoan giếng lấy nước bình thường nhưng ở tổ 4, 6 và 7 thì vấp phải sự phản ứng của một số hộ dân. “Quyết định 884 của Đồng Nai chỉ rõ xã Bảo Bình không có nằm trong vùng cấm khoan giếng. Những hộ phản đối cũng không đưa ra được bằng chứng hay cái gì chứng minh việc khoan giếng sẽ làm mất nguồn nước giếng đào của họ. Họ ngang nhiên gây sức ép buộc chính quyền không cho chúng tôi khoan giếng”, anh Nguyễn Quang Thành (ngụ ấp Tân Xuân) bức xúc.

Chính quyền cũng “đau đầu”

Bà Quan Bội Bội, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Bình cho hay, vụ việc xảy ra từ năm 2016, khi người dân trong các tổ 4, 6 và 7 (ấp Tân Xuân) có ý định khoan giếng thì nhóm khoảng 29 hộ dân ở đây không đồng tình vì lo sợ mất nước giếng đào của họ. “Thời điểm đó, đích thân tôi dẫn đoàn cán bộ TN-MT đi khảo sát, kiểm tra và cũng mất nhiều tháng liền để đi xử lý vụ khoan giếng”, bà Bội nói và thông tin thêm: “Đến năm 2018, tỉnh nêu rõ xã Bảo Bình không nằm vùng cấm khoan giếng, tôi ký giấy cho người dân được khoan khai thác nước ngầm. Khi hộ thứ hai đang khoan thì 29 hộ trong ấp lại chạy ra xã phản ánh”.
Theo bà Bội, xã đã tổ chức tới 4 cuộc họp để giải thích cho nhóm người ngăn cản biết theo quy định người dân được phép khoan giếng. Đồng thời, thuyết phục người dân dung hòa lợi ích hai bên nhưng không thể giải quyết được. “29 hộ dân này tiếp tục chạy ra huyện gây áp lực, thậm chí gửi đơn lên tỉnh. H.Cẩm Mỹ đành phải ra văn bản thông báo tạm ngừng khoan giếng tại các tổ 4, 6 và 7. Đồng thời yêu cầu xã Bảo Bình rà soát, điều tra cụ thể các giếng đào, giếng khoan và nhu cầu sử dụng nước tại các ấp trên để có hướng xử lý”, bà Bội nói. Theo bà Bội, UBND xã Bảo Bình đã làm báo cáo, đề xuất lên huyện hủy bỏ việc tạm ngưng để cho các hộ dân được khoan giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. “Chúng tôi tiếp tục họp để giải thích cặn kẽ cho các hộ chưa đồng thuận việc khoan giếng. Nếu những hộ nào chống đối, gây rối trật tự sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, bà Bội nói.
Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Trung, Phó Chánh văn phòng UBND H.Cẩm Mỹ thừa nhận hiện có 2 nhóm người dân đang tồn tại mâu thuẫn chưa giải quyết dứt điểm nên huyện cho tạm ngưng để tìm hướng xử lý hài hòa lợi ích giữa các bên chứ không cấm người dân khoan giếng.
Theo ông Vũ Hoàng Trung, nếu để khoan tràn lan mà không kiểm soát được thì ảnh hưởng nguồn nước chung của cả khu vực cộng đồng. Nhưng không cho khoan thì không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân. “Khai thác nước ngầm cũng cần bền vững, lâu dài tránh ảnh hưởng sau này. Bây giờ nếu để mạnh ai nấy khoan giếng đến khi mất hết nước thì rất khó xử lý. Giờ phải họp có cơ quan chuyên môn xác định, nếu cho khoan giếng thì phải xác định khoan sâu bao nhiêu mét, trữ lượng khai thác bao nhiêu m3/ngày… thì mới xử lý được dứt điểm và theo đúng quy định”, ông Trung chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.