Khởi điểm chịu thuế 9 triệu là không cao và “không có gì ghê gớm”

12/09/2012 16:17 GMT+7

(TNO) Trước tranh luận gay gắt của Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính ngân sách (UB TCNS) tại phiên thảo luận luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) chiều nay 12.9, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn cho rằng, mức đề xuất của Bộ Tài chính là không cao và “không có gì là ghê gớm”.

>> Sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân: Góp ý bị bỏ ngoài tai
>> Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nuôi con thì khỏi nuôi cha mẹ !?
>> Ngỡ ngàng thuế thu nhập cá nhân
>> Oằn vai thuế thu nhập cá nhân
>> Miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 trong 6 tháng
>> Đề nghị miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân

Bộ đưa lên, Ủy ban “ép” xuống

Giải trình tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, lần sửa luật này đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu và GTGC cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu. Căn cứ là năm 2009 khi luật bắt đầu có hiệu lực thì CPI dưới một con số, đến năm 2011 CPI là 18,3%.

Ngoài ra, để có được con số 9 triệu, theo bà Mai, thực tiễn mấy năm qua trên cơ sở biến động và khó khăn của nền kinh tế, năm 2009 và 2011 QH có nghị quyết miễn thuế TNCN 5 tháng. Năm 2012 trước bối cảnh kinh tế khó khăn, QH cũng ban hành nghị quyết 29 miễn thuế TNCN bậc 1 - tức là 4 triệu (GTGC cá nhân người nộp thuế) cộng với khoản đánh thuế thu nhập là 5 triệu thuế suất 5% thành mức 9 triệu đồng.

Cũng theo bà Mai, Bộ Tài chính thấy mức sống của người dân VN nếu tính theo bình quân GDP đầu người thì thu nhập bình quân của VN bằng 1,7 GDP bình quân đầu người, đề xuất 9 triệu đến năm 2014 cũng bằng 2,5 GDP bình quân đầu người. So với các nước, GDP bình quân đầu người của VN rất thấp. “Với mức giảm trừ này thì thu nhập vẫn còn thấp hơn các nước cho đến 2014, xem xét các quan điểm, nguyên tắc nên Chính phủ đề xuất mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu cho người nộp thuế và 3,6 triệu cho người phụ thuộc”, bà Mai nói.

Ngỡ ngàng thuế thu nhập cá nhân
Đề xuất của UB TCNS về việc giảm mức thu nhập khởi điểm chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh đã đi ngược lại nguyện vọng của người dân - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đại diện cho cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, 6/8 ý kiến của Ủy ban này phản đối mức GTGC như trên và nhất trí kéo xuống 7 triệu đồng và 2,8 triệu đồng. Nguyên nhân hạ xuống do ủy ban này lo ngại ngân sách bị giảm nguồn thu, luật Thuế TNCN sẽ quay trở lại với Pháp lệnh thuế thu nhập cao.

Giải thích con số trên, theo ông Hiển trước tiên cần phải so sánh với con số 1.050.000 đồng - mức lương tối thiểu. Bởi đây chính là mức thu nhập để đảm bảo có điều kiện sống.

"Mức chúng tôi đưa ra đã trên 6 lần", ông nhấn mạnh. Ủy ban này dẫn chứng, hiện có 51 triệu người có thu nhập nhưng có 12 triệu người phải kê khai và con số đến ngưỡng phải nộp thuế chỉ có 3,8 triệu. "Vậy 3,8/51 triệu người tương đương khoảng gần 10%, có nghĩa những người này ở nhóm cao, còn tất nhiên, nếu so với Trung Quốc, Mỹ thì chúng ta không so được", ông Hiển nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Hiển quan điểm của QH khóa 12 khi làm luật này đời sống nhân dân được nâng lên, đối tượng nộp thuế sẽ nâng lên, nhiều hơn, thuế TNCN đúng bản chất của nó chứ nếu nâng lên mức Chính phủ đề nghị thì bản chất thuế TNCN không còn. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, là đồng ý nâng mức giảm trừ gia cảnh lên, nhưng nâng mức hợp lý thôi chứ không nhanh như Chính phủ đề xuất.

“Khi đưa ra chúng tôi tính toán, trong điều kiện hiện nay, số thu ngân sách càng về sau càng cực kỳ khó khăn. Đến 2018 tất cả hàng rào thuế quan giảm xuống, thu từ đất đai, dầu mỏ cũng giảm do cạn kiệt, trong khi quan điểm chiến lược thuế thì phải làm sao tăng cường thuế trực thu, nếu cứ theo đề xuất này chiến lược thuế sẽ hết sức khó khăn, không đảm bảo được thu ngân sách”, ông Hiển lo ngại.

“Sao không giãn, bỏ bớt bậc thuế”

Trước tranh luận gay gắt của hai bên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu: “Lập luận của anh Hiển đúng rồi, mỗi công dân đều có nghĩa vụ nộp thuế, nếu công dân có thu nhập, giả sử 10 triệu thì nộp 1 triệu, để mọi người dân đều hiểu mình phải có nghĩa vụ nộp thuế, nhưng họ đều có quyền đòi hỏi”.

Tuy nhiên, ông phân tích: “Nước ta còn nghèo, đang áp dụng câu chuyện chỉ những người có thu nhập cao mới phải nộp thuế, luật hiện hành đã kết hợp quan điểm mọi người đều phải nộp thuế hết khi đến ngưỡng thu nhập nào đó".

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Trong hoàn cảnh nền kinh tế hiện nay thu nhập dân cư thì 7 triệu hay 9 triệu đã gọi là thu nhập cao chưa. Nếu mức này là đủ sống, có tái tạo, có nuôi được người phụ thuộc, con cái, bố mẹ và vẫn còn cao thì hạ xuống. Cần phân tích cụ thể đời sống kinh tế, giá cả, điều kiện làm việc bây giờ (ăn, học hành, tích lũy, chữa bệnh, sinh hoạt tinh thần, mua nhà, nuôi con, nuôi bố mẹ nữa chứ) thì mức đề xuất nào phù hợp”.

Nhìn vào đề xuất của Bộ Tài chính, Chủ tịch thẳng thắn nêu quan điểm riêng: “Tôi áng áng thấy cỡ Bộ Tài chính đưa ra cũng được, chưa cao, đã có gì ghê gớm. Mức này cũng chỉ đủ sống thôi, hơn nữa mình đang định đưa lương tối thiểu lên 1,5 triệu đồng”.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất theo Chủ tịch cần phải giãn bậc thuế, cắt bớt 7 bậc hiện đang quá dày.

“Tại sao không hạ bớt 7 bậc đi, tại sao để quá nhiều bậc. Bỏ bớt bậc đi, giãn bậc này ra, tại sao không bỏ? Đoạn đầu có thể chặt một tí, nhưng đoạn sau giãn ra để thu của người thu nhập cao nhiều hơn, người thu nhập thấp hơn thì dày hơn”, ông đề xuất.

Anh Vũ - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.