Khó xác định khắc phục thiệt hại tội phạm gây ô nhiễm môi trường?

11/04/2021 05:47 GMT+7

Đây được xem là vụ án “gây ô nhiễm môi trường ” đầu tiên tại TP.HCM được đưa ra xét xử. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc xung quanh việc bồi thường, khắc phục hậu quả.

Mới đây, ngày 5.4, TAND H.Bình Chánh (TP.HCM) xét xử sơ thẩm bị cáo Vũ Anh Vũ (48 tuổi), Bùi Chí Công (36 tuổi), Tống Viết Mười (31 tuổi, cùng ngụ tỉnh Long An) về tội “gây ô nhiễm môi trường”. Phiên tòa tạm hoãn do vắng mặt 2 bị cáo Công và Mười, dù đã được tòa triệu tập hợp lệ. Dự kiến, phiên tòa mở lại vào ngày 14.4.

Chôn lấp hơn 4.300 tấn rác thải

Theo cáo trạng, Vũ nhận chuyển nhượng lại việc san lấp 2 thửa đất tại xã Phong Phú (H.Bình Chánh). Từ ngày 9.5.2018, Vũ yêu cầu Công, Mười (là tài xế) đến đường Cao Lỗ, Q.8 (TP.HCM) để chở xà bần, đất, cát từ các công trình xây dựng đem về san lấp.
Đến tháng 7.2018, Vũ được một người tên Tuấn (chưa rõ lai lịch), tự xưng là quản lý bãi tập kết phương tiện Công ty TNHH kỹ thuật môi trường Bắc Nam (Công ty Bắc Nam) ở H.Nhà Bè (TP.HCM) thuê chở xà bần vào đổ tại khu đất của công ty và chở rác thải đang chứa trong bãi đem đi nơi khác đổ. Vũ đã kêu Công và Mười chở rác từ bãi tập kết của Công ty Bắc Nam về đổ tại 2 khu đất mình nhận san lấp ở xã Phong Phú (H.Bình Chánh). Để tránh bị phát hiện, Vũ thuê 1 xe chở đất để lấp lên rác thải đã đổ.
Ngày 23.11.2018, Cảnh sát Môi trường (Công an TP.HCM) phát hiện vi phạm trên nên đã tiến hành ghi nhận, lập biên bản. Sau đó, Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố các bị can.
Cáo trạng xác định Vũ là chủ mưu, Công và Mười là đồng phạm. Từ tháng 7 - 10.2018, các bị cáo đã chôn lấp trái phép tổng cộng 4.371,8 tấn chất thải ra môi trường.

Nhiều vướng mắc khi xét xử

Đây được xem là vụ án “gây ô nhiễm môi trường” đầu tiên tại TP.HCM được đưa ra xét xử. Trao đổi với PV Thanh Niên, thẩm phán Nguyễn Thế Dũng (chủ tọa phiên tòa) cho biết có nhiều vướng mắc về loại án này trong quá trình xét xử, đặc biệt là việc khắc phục hậu quả trong vụ án.
Theo thẩm phán này, đối tượng, khách thể bị xâm phạm trong vụ án là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Nhưng hiện tại chưa xác định được cơ quan nào đứng ra để đại diện cơ quan quản lý nhà nước tham gia tố tụng ngay từ đầu để yêu cầu khắc phục hậu quả, bồi thường.
Trong bộ luật Hình sự (BLHS), đối với việc khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu thì chỉ có quy định pháp nhân thương mại (công ty). Nhưng trong vụ án, người bị xử lý hình sự là cá nhân, mà trong BLHS không quy định buộc cá nhân phải khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu. Nếu buộc cá nhân đó khắc phục hậu quả thì không thể căn cứ vào quy định nào, vì trong BLHS và bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định. Nên trong trường hợp này, các bị cáo muốn khắc phục hậu quả, thì chỉ mang tính tự nguyện.
Theo quy định, nếu liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước thì người chủ đất đó không phải là bị hại trong vụ án, họ chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hoặc nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự. Vì đối tượng bị xâm phạm là quản lý nhà nước về môi trường, chứ không phải xâm phạm đến quyền, tài sản của cá nhân, tổ chức. Nếu như chủ đất có yêu cầu khắc phục hậu quả thì căn cứ vào bản thỏa thuận trong hợp đồng san lấp.
Bị cáo Vũ Anh Vũ tại tòa ẢNH: SONG MAI

Bị cáo Vũ Anh Vũ tại tòa

ẢNH: SONG MAI

Từ đó, HĐXX kiến nghị, phải xác định rõ cần phải đưa cơ quan hành chính quản lý về môi trường tham gia tố tụng, để xác định mức độ ô nhiễm môi trường, yêu cầu khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Nếu vụ việc chưa giải quyết triệt để, thì tòa có kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát tiếp tục làm rõ những nội dung đó.

Bị cáo phải bồi thường để khắc phục hậu quả

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ khoản 2, điều 75, BLHS năm 2015, thì việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự nhưng không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Nếu chứng minh được đầy đủ các dấu hiệu phạm tội của pháp nhân thương mại, thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đó. Còn nếu trường hợp chứng minh được người thực hiện hành vi phạm tội có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, thì truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả cá nhân.
Cuối năm 2020, TAND tỉnh Hòa Bình xử phúc thẩm, tuyên y án: Lý Đình Vũ 5 năm tù, Hoàng Văn Thám 4 năm tù, Nguyễn Chương Đại 3 năm 6 tháng tù về tội “gây ô nhiễm môi trường” theo điều 235, BLHS. Theo hồ sơ vụ án, Lý Đình Vũ nhận xử lý dầu thải cho Công ty CP gốm sứ CTH nhưng sau đó thuê Đại và Thám chở đến Hòa Bình, đổ trộm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, ảnh hưởng đến người dân ở Hà Nội.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án này, cấp phúc thẩm dành quyền khởi kiện cho Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà khởi kiện dân sự, đòi bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo và tổ chức có liên quan đến hành vi đổ chất thải gây ô nhiễm đến nguồn nước sản xuất của công ty.
Trong vụ án này, theo cáo trạng viện dẫn thì Vũ cùng 2 đồng phạm sử dụng hơn 4.300 tấn rác thải để san lấp 2 khu đất, nên bị khởi tố theo điều 235, BLHS là đúng quy định pháp luật. Khi khởi tố vụ án xác định cá nhân phạm tội thì phải truy tố cá nhân đó.
Theo ông Hậu, trong trường hợp này vẫn buộc 3 bị cáo là cá nhân khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Phía tòa có thể mời cơ quan quản lý nhà nước về môi trường như Phòng TN-MT tham gia vụ án. Các bị cáo là cá nhân có thể khắc phục hậu quả bằng cách nộp tiền bồi thường, sau đó phía cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ đứng ra thực hiện việc khắc phục hậu quả về môi trường.
Về việc xác định thiệt hại như thế nào để bị cáo bồi thường, luật sư Phan Văn Vũ (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay tòa có thẩm quyền trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định mức độ ô nhiễm, thiệt hại, chi phí khắc phục... Sau đó, căn cứ vào kết luận giám định và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, tòa sẽ buộc bị cáo bồi thường nhằm khắc phục hậu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.