Khắp nơi khát nước: Chạy nước từng bữa

19/03/2010 03:23 GMT+7

* Nam Bộ sẽ nóng đến 40 độ C * Nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,6 – 2 độ C * Chưa phải lúc cao điểm của nắng nóng

Nắng nóng tàn khốc đang xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước, khiến không chỉ cây cối khô héo mà người dân cũng lao đao.

"Hạn hán kiểu này thì vô phương cứu chữa rồi!", ông Lê Văn Tiến (ấp Ba Xoài, xã An Cư, H.Tịnh Biên, An Giang) ngậm ngùi đứng trước vườn cây ăn trái, nguồn thu nhập chính của gia đình đang dần bị xóa sổ. Hơn tháng trước, ông bó tay nhìn 2.000 gốc mãng cầu 4 tuổi chết đứng. Bây giờ, đến lượt 1 ha xoài đang dần héo lá. Đã quá quen những mùa hạn cháy ở vùng Bảy Núi này, nhưng ông Tiến nói "đầu hàng" với cái nắng hiếm có như năm nay. Trước đó, thấy nắng càng ngày càng hung, ông Tiến đã bỏ ra 4 triệu đồng để mướn giàn khoan giếng ngầm mong cứu vườn cây. Sau nhiều ngày khoan thăm dò, cánh thợ đã lắc đầu dọn máy móc bỏ đi. "Bây giờ tôi không còn lo nước cho cây nữa, vì đằng nào cũng phải bỏ luôn rồi. Nhưng cứ hạn thế này thì đến người cũng thiếu nước", ông Tiến nói.

Ông Lê Văn Tiến bên vườn cây chết khô vì nắng hạn - ảnh: T.Trình

Dọc theo chân núi Dài, nhiều mảnh vườn cây vàng lá, chết khô. Giếng nước thì khô cạn, ao hồ nằm trơ đáy, các con suối ngưng chảy… Nhiều xóm làng ở vùng núi tỉnh An Giang đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng không chỉ cho sản xuất mà còn cho sinh hoạt.

"Nhà tôi sáng, chiều đều phải đi lấy nước. Mỗi lần như vậy mất 2 tiếng đồng hồ. Tính ra nội chuyện lấy nước thôi cũng mất hết 1 người làm", ông Mai Văn Phèn (tổ 7, ấp Phú Cường, An Nông, H.Tịnh Biên) đang rị mọ kéo từng can nước nhỏ từ giếng Bà Đen (xã An Cư) về, nói. Nhà ông Phèn cách giếng một con đường mòn băng qua cánh đồng nối liền hai xã và một xóm dân ven núi, cũng đang trong cảnh thiếu nước trầm trọng.

Không chỉ dân cư ở xóm Bà Đen, mà cả những gia đình sống ven chân núi Phú Cường cũng đến giếng lấy nước. Thế nhưng, năm nay nguồn nước giếng Bà Đen cạn đi thấy rõ. Cụ Đỗ Văn Phát, một cư dân cố cựu sống ven chân núi Phú Cường, lo lắng: "Mọi năm mùa này người ta lấy nước đâu hề hấn gì. Nhưng năm nay nước bắt đầu yếu. Không có cái giếng đó là dân ở đây chắc ngặt lắm".

Trắng đêm vét nước

Dân xóm Lá Mối (ấp Phú Hòa, xã An Phú, H.Tịnh Biên, An Giang) còn cực hơn. Cả xóm hiện dựa vào cái giếng có tên là "giếng lớn", nhưng từ trước Tết vì quá đông người đến lấy nước, nguồn nước trong giếng đã cạn đến tận đáy, người dân phải canh lấy nước từ các lỗ rỉ lắng vào đáy giếng. Để "canh" nguồn nước này, nhiều gia đình cử người túc trực bất kể ngày hay đêm, giữa trưa hay khuya khoắt, mới mong có ít nước mang về.

Trưa nắng, vừa đi học về là Hồ Tuấn Phát (lớp 1, Trường Tiểu học An Phú) được phân công ra vét nước ở giếng lớn. Nhiệm vụ của em là kéo từng ca nước nhỏ từ đáy giếng đổ vào thùng, khi đầy sẽ có người nhà ra mang về. Mọi sinh hoạt trong ngày của cả nhà đợi vào việc canh nước của em. Tuy nhiên, cùng vét nước với em còn có nhiều người lớn khác trong xóm, cũng đang sống nhờ vào cái giếng này. Một người dân trong xóm nói vì ai cũng cần nước nên mỗi gia đình phải cử người ra canh, nếu không thì đông người quá, không còn nước để vét. Nhiều gia đình vì bận kiếm sống nên không có "đại diện" ra giếng từ ban ngày nên vào đêm phải thức chờ có nước để vét. Nhưng ban đêm cũng không vắng người.

21 giờ tối, chúng tôi gặp chị Dương Thị Hồng (tổ 14, ấp Phú Hòa, xã An Phú) cùng 3 thành viên trong gia đình vừa vét được lưng 2 can nước. Đó là kết quả của hơn 3 giờ liên lục đứng canh ở miệng giếng, múc từng ca nước một. Chị lắc đầu: "Ban ngày đông quá, có chen chân được thì cũng không có nước". Chị Hồng chưa đi thì người khác lại lỉnh kỉnh can nhựa chạy đến, có người thấy giếng nước đã "có tài", thất vọng bỏ đi.

Đêm về sâu, anh em nhà anh Huỳnh Văn Phương đẩy chiếc xe ba gác chở 10 can nhựa đến giếng lớn. Anh Phương nói mỗi lần vét nước là mỗi lần khó nên gia đình anh phải thức canh lấy thật nhiều nước một lần. Nhưng chỉ vài giờ sau, các thành viên trong gia đình Phương đã lắc đầu: "Không còn nước nhiều để lấy". Không còn nước, nhưng trong bóng đêm vẫn còn những người kiên nhẫn chờ từng dòng nước rỉ. Đến gần sáng, chị Nguyễn Thị Bé Sáu tất tả mang thùng ra giếng nước. Tới nơi, chị phát hiện giếng đang có người, đành thất vọng quay về.

"Nắng hạn thế này, có lẽ chỉ mấy ngày nữa nguồn nước sẽ cạn. Lúc đó, người dân phải đi đến tận kinh Vĩnh Tế, cách đó rất xa để lấy nước. Biết nước ở đây không sạch, nhưng giờ còn cách nào khác nữa đâu…", anh Phương lo lắng.

Bản khát

Con suối nay trơ đá - ảnh: N.Phúc

Không ít nơi trên địa bàn huyện vùng cao Đakrông (Quảng Trị) đang khốn khổ với mối họa thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cái nắng thiêu đốt và những cơn gió Lào khô khốc làm cho bản làng xác xơ...

Trong cái nắng rát bỏng da người, chúng tôi vượt cầu Đakrông, đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây để lên với xã Ba Nang (H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Ông Hồ Văn Biệt, Phó chủ tịch UBND xã, không giấu nổi vẻ lo lắng: "Xã Ba Nang năm nào cũng hạn, cũng thiếu nước, nhưng chưa có năm nào cái hạn nó đến sớm như thế này. Đặc biệt là tại các bản sâu như Tà Mèn, Trầm, Cóc... tình hình khá cấp bách...". Theo số liệu của UBND xã, 3 bản này có 160 hộ và gần 900 khẩu, vì đến nước sinh hoạt cũng thiếu nên chẳng có nước để sản xuất nông nghiệp. Bản vốn đã nghèo, thiếu nước lại càng khốn khổ hơn...

Dọc hơn 10km đường từ trụ sở UBND xã vào các bản là những đoạn mương, con suối cạn khô nước, những rừng cây con phủ một lớp màu vàng cháy xám. Hệ thống nước tự chảy (lấy từ đầu nguồn) trong khu vực các bản này vẫn còn nhưng hầu như không rỉ ra một giọt nước nào.

Đi một vòng quanh các bản, cái nóng và quang cảnh nơi đây làm ai cũng thấy khát khô cả cổ họng. Tại một số điểm vẫn có những bể nước lớn do kinh phí của dự án 135, dự án giảm nghèo đầu tư xây dựng nhưng dường như cũng bị bỏ hoang khá lâu. Ông Hồ Văn Luôn (60 tuổi, bản Cóc) vuốt mồ hôi nói: "Cái bể đó nhà nước xây cách đây 5 năm nhưng không sử dụng được 2 năm ni rồi. Nó hư hỏng hết, có bỏ nước vô đó được nữa mô...".

Ông Vũ Đình Hòe, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết từ tháng 10.2009, huyện đã cho sửa chữa lại các công trình dân sinh trên địa bàn tốn gần 10 tỉ đồng khắc phục hậu quả cơn bão số 9, tuy vậy đến nay vẫn còn 58 công trình thủy lợi, đập vừa và nhỏ chưa hoàn thành vì vẫn thiếu vốn nên xảy ra chuyện thiếu nước cục bộ khi hạn hán. "Huyện đang cố gắng đến mức cao nhất để đảm bảo người dân trên toàn huyện có nước sản xuất, sinh hoạt khi mùa khô đang đến rất gần", ông Hòe nói.

Nguyễn Phúc

Nước ít, người đông

Giếng nước cạn đáy ở Tịnh Biên, An Giang - ảnh: T.Trình

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất hiện nay đang diễn ra ở Q.7 và H.Nhà Bè, TP.HCM. Tại Q.7, ở các khu dân cư Vạn Phát Hưng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hữu Lầu (P.Phú Thuận, P.Phú Mỹ), người dân phải mua nước với giá lên đến 70.000 - 120.000 đồng/m3. Bà Trần Thị Lệ Hà - chủ nhà số 1598 Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ - than: "Đợi từ sáng khuya cũng không bơm nước được. Cả nhà thay phiên nhau canh chừng chiếc xe bồn (do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn huy động - PV) đến bơm vào bọng ở chân cầu Phú Xuân là lập tức bật máy bơm. Vậy mà cũng chẳng kịp vì nước thì ít mà người giành bơm lại đông".

Nhiều gia đình chấp nhận mua nước do người khác bán lại với giá đắt. Anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ hẻm 482 Huỳnh Tấn Phát, bức xúc: "Ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ làm tôi phải dùng xe máy đi mua từng can nước, khổ lắm! Ở đây 5 năm rồi mà chưa bao giờ đủ nước". Khổ nhất là trường hợp anh Võ Văn Chinh, bị liệt hai chân. Chúng tôi gặp anh trưa 18.3 khi anh vừa ngồi trên xe lăn vừa mua nước trên lề đường Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè. Anh Chinh cho biết ngày nào anh cũng đi xe lăn trên 500m từ nhà trọ tới nơi có bán nước sinh hoạt.

Không chỉ tại Q.7, H.Nhà Bè, mà ngay cả Q.8, Q.Thủ Đức, Q.9, Q.Gò Vấp... người dân cũng đang khổ sở vì thiếu nước sạch. Tại khu phố 6, P.Hiệp Bình Phước, nhiều hộ dân chưa được gắn đồng hồ, phải đi câu nhờ nước của hộ khác, vừa tốn tiền vừa không đủ nước sử dụng.

Tại khu phố Trường Khánh, P.Long Phước, người dân phải đành sử dụng nước sông Đồng Nai vốn đang bị nhiễm mặn.

Ở Q.8, gồm các đường như Dương Bá Trạc, Phạm Thế Hiển, khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh)... từ đầu mùa khô đến nay nước từ Nhà máy nước Tân Hiệp về rất yếu nên tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên dù Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn đã liên tục huy động hàng trăm xe bồn tiếp nước mỗi ngày.

Đình Mười

Nam Bộ sẽ nóng đến 40 độ C

* Nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,6 - 2 độ C

Nam Bộ sẽ có những ngày nắng nóng 38 - 40 độ C vào giai đoạn cao điểm của mùa khô - trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5 tới.

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết nhận định như vậy khi trao đổi với Thanh Niên vào chiều hôm qua.

Nắng nóng suốt từ sáng đến chiều tối

Mấy ngày qua, trong lúc miền Bắc trời trở lạnh, thì Nam Bộ đang phải chịu nắng nóng trên diện rộng, nền nhiệt độ ở mức cao nhất tính từ đầu mùa khô cho đến nay. Miền Đông là nơi nóng nhất, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36,5 độ C trở lên, ở một số nơi nhiệt độ còn xấp xỉ và trên 38 độ như Biên Hòa (Đồng Nai) 37,8 độ C, Đồng Xoài (Bình Phước) 38,1 độ C. TP.HCM ngày 17.3 là 35,6 độ C, nhưng do nắng suốt từ sáng sớm đến chiều tối, cùng với bê tông hóa của đô thị lớn, đã làm gia tăng cảm giác oi bức đến mức không chịu nổi.

Theo ông Nguyễn Minh Giám, mùa khô năm nay ít có những cơn mưa trái mùa, không khí trở nên khô hơn. Hơn nữa, mùa khô và nắng nóng cũng đến sớm hơn bình thường (từ tháng 2 đã xuất hiện đợt nắng nóng). "Nhưng đây chưa phải là cao điểm của nắng nóng ở Nam Bộ" - ông Giám nói. Cao điểm sẽ rơi vào tháng 4 và nửa đầu tháng 5, lúc đó sẽ có những ngày nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông lên đến 40 độ C. Ông Giám nhận định, do nắng nóng làm cho không khí xáo trộn lớn, nên có khả năng khoảng 4 - 5 ngày tới sẽ xuất hiện mưa giông nhiệt và sấm sét ở vài nơi, người dân cần đề phòng.

Vào mùa này, không khí lạnh ở phía Bắc không lan xuống tới Nam Bộ, do vậy, cho dù miền Bắc trời lạnh và rét thì miền Nam vẫn nắng nóng. Mùa nóng ở Nam Bộ sẽ còn kéo dài trong hơn 1 tháng nữa và điều đặc biệt là hầu hết Nam Bộ có nhiệt độ xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,6 - 2 độ C.

Nước sông xuống thấp, độ mặn tăng cao

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tuần qua, tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long mực nước cao nhất ngày ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,1 - 0,2m. Lưu lượng về các hồ chứa thấp hơn 30 - 80% so với TBNN cùng thời kỳ. Độ mặn vùng cửa sông cao hơn cùng kỳ năm 2009 nhưng thấp hơn so với TBNN. Tại Bến Tre, mức mặn 4 %o (ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt) trên các con sông: Cửa Đại, Cổ Chiên đã xâm nhập sâu cách các cửa sông gần 40 km; sông Hàm Luông cũng đến 40 km.

Theo báo cáo vào ngày 14.3 vừa qua của Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường, vào tuần đầu tháng 3, trời khô hạn, nắng nóng, không mưa đã làm cho nước trên các sông tại TP.HCM xuống thấp hơn bình thường. Xâm nhập mặn trên các sông Sài Gòn - Đồng Nai đều tăng lên đáng kể, như sông Nhà Bè - Đồng Nai, mức mặn 4 %o đã đẩy lên phía trên phà Cát Lái (Q.2), trong khi nước sông Sài Gòn tại Thủ Thiêm đã bị nhiễm mặn 3 - 4%o. Khu vực H.Bình Chánh, mức mặn 9%o đã vào đến khu vực cầu Ông Thìn, chất lượng nước sông xấu. Khu vực kênh Đôi, kênh Tẻ nhiễm mặn 3 - 4%o; kênh An Hạ, kênh Xáng, kênh C nhiễm mặn 1-2%o. Tại cầu Nhị Thiên Đường (Q.8) độ mặn là 3 - 4%o.

Theo dự báo, nếu có xả nước từ hồ Dầu Tiếng để đẩy mặn, ranh mặn 4%o trên sông Sài Gòn có thể ở mức như hiện nay, trên sông Đồng Nai xâm nhập mặn có thể vào sâu hơn chút ít. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước các khu vực nội thị và phía sông Nhà Bè, Đồng Nai. Các vùng ven sông Cần Giuộc, Chợ Đệm tình hình nhiễm mặn còn có khả năng vào sâu hơn, kết hợp với nhiễm chua, nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Mai Vọng

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.